Theo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ. Ông Tuấn cho rằng, từ trước đến nay mẹ mình đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Trong quá trình tạm giam, mẹ ông đã nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải và cam kết không tái diễn hành vi sai phạm. Trong đơn ông Tuấn xin được bảo lãnh cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án.
Bị can Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 (Bộ luật hình sự 2015).
Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của một số nghệ sĩ, ca sĩ…
Về cơ sở pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, theo quy định của pháp luật thì “Tạm giam” là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội…
Với người bị điều tra về các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng sẽ mặc nhiên không bị tạm giam, trừ các trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Ngoài mục đích chung là ngăn chặn không để bị can, bị cáo có điều kiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án thì ở mỗi giai đoạn, việc áp dụng biện pháp này còn có mục đích riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng tố tụng của cơ quan áp dụng.
Chẳng hạn, việc tạm giam đối với bị can trong giai đoạn điều tra tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra có thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can vào bất cứ khi nào nếu thấy cần thiết mà không phải mất thời gian triệu tập nhiều lần, đồng thời cũng giúp cho việc quản lí, giám sát bị can được chặt chẽ. Ngoài ra, việc tạm giam bị cáo sau khi tuyên án sẽ đảm bảo cho việc thi hành án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật được thuận lợi.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Trong quá trình điều tra hoặc ở giai đoạn truy tố, xét xử vụ án hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp tạm giam bằng “cấm đi khỏi nơi cư trú” khi lý do để tạm giam không còn hoặc trường hợp có người bảo lĩnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 121 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.
Luật pháp cũng đã quy định chặt chẽ và chi tiết điều kiện nhận bảo lĩnh của cá nhân. Theo đó, cá nhân nhận bảo lĩnh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh; Bị can, bị cáo được bảo lĩnh là người thân thích của họ; Có ít nhất hai người cùng nhận bảo lĩnh; Làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 (Điều 121 Bộ luật TTHS năm 2015).
“Trong vụ án này, nếu quá trình điều tra hoặc trong giai đoạn truy tố, xét xử mà cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy bà Nguyễn Phương Hằng không có dấu hiệu bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội, không dụ dỗ ép buộc, đe dọa người làm chứng khai báo gian dối hoặc có các hoạt động cản trở điều tra truy tố xét xử khác thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Trường hợp lý do để tạm giam không còn thì căn cứ vào đơn xin bảo lĩnh tại ngoại, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét để chấp nhận theo quy định pháp luật. Còn trường hợp người thân có đơn xin bảo lĩnh tại ngoại nhưng cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án chưa đủ căn cứ để thay đổi biện pháp ngăn chặn thì cũng sẽ không chấp nhận đơn yêu cầu của người thân bị can”, Ts. Ls Cường phân tích.