Một đứa trẻ sở hữu đức tính trung thực sẽ biết sống chân thành, tôn trọng lẽ phải thay vì sự dối trá. Thế nên, thật thà, trung thực là một trong những đức tính quan trọng và cốt lõi giúp hình thành nhân cách, tính cách, quyết định tới cuộc sống sau này của trẻ.
Nhiều cha mẹ cho biết, họ cảm thấy khó khăn khi dạy con phải trung thực. Với trẻ dưới 6 tuổi, khi trẻ nói dối, việc giảng dạy cho con hiểu thật sự không dễ dàng. Tuy nhiên, bố mẹ cần chấn chỉnh kịp thời để trẻ tránh lặp lại lỗi lầm đó.
Tiến sỹ Lim Boon Leng, nhà tâm lý học thuộc Trung tâm Tâm lý Sức khỏe Tâm thần BL Lim (Singapore) giải thích: “Trẻ nói dối vì chúng nghĩ rằng mình có thể đạt được điều gì đó bằng cách này. Ví dụ, bằng cách nói dối về việc đã hoàn thành công việc, trẻ có thể đi xem tivi. Trẻ cũng nói dối để tránh bị cha mẹ, thầy cô phạt hoặc để thoát khỏi những tình huống khó khăn”.
Dưới đây là một số điều cha mẹ nên làm nếu phát hiện con nói dối .
1. Tìm ra nguyên nhân tại sao con nói dối
Khi phát hiện con nói dối và không đúng sự thật, cha mẹ cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ làm vậy là gì. Tìm được nguyên nhân thì cha mẹ có thể có cách xử lý phù hợp và trẻ cũng không cần phải nói dối sau này nữa. Rất có thể trẻ đã quá mệt mỏi và áp lực với bài vở ở trường, hoặc bài quá khó vượt ngoài khả năng của trẻ. Hoặc cũng có thể vì con sợ bị đòn roi, sợ mắng mỏ, so sánh… từ bố mẹ.
2. Hãy làm gương
Người lớn cũng cần trung thực và thừa nhận khuyết điểm của mình. Dù là lời nói dối vô hại đi chăng nữa thì nó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới con cái và khi trẻ phát hiện, con sẽ nghĩ rằng bố mẹ có thể làm, vậy mình cũng có thể.
Nhiều bậc cha mẹ còn sợ việc phải thừa nhận lỗi của mình với con cái vì lo sợ con sẽ không còn tôn trọng nữa, nhưng hành động trung thực và sẵn sàng nhận sai với chính con trẻ cũng sẽ giúp tạo dựng niềm tin và môi trường sống tốt đẹp trong gia đình.
3. Đừng đẩy con vào tình huống phải nói dối
Không một đứa trẻ nào muốn thừa nhận lỗi lầm của bản thân, đặc biệt khi chúng có bố mẹ quá nghiêm khắc, thường xuyên mắng mỏ, đánh đập khi con cái mắc sai lầm. Nếu cứ bị chỉ trích thì trẻ sẽ tìm cách né tránh, đặc biệt là nói dối để không phải chịu phạt.
Chẳng hạn mặc dù đã biết chắc là con chưa làm bài xong nhưng mẹ vẫn hỏi con đã làm xong chưa, như vậy sẽ khiến con khó xử và tìm cách nói dối để làm mẹ hài lòng. Thay vào đó, mẹ hãy nói rằng: “Mẹ thấy con chưa làm xong bài, con đưa mẹ xem con đã làm đến đâu rồi” sẽ khích lệ trẻ nhiều hơn.
4. Khích lệ con nói thật
Việc can đảm nói ra sự thật không phải là điều dễ dàng, kể cả với người lớn hay trẻ nhỏ. Để khích lệ và thuyết phục con nói thật, điều cần nhất cha mẹ nên làm là đừng tỏ ra cáu giận hay bực bội với con. Khi con làm sai một việc gì đó, cha mẹ tỏ ra khó chịu và xét nét, lâu dần sẽ khiến trẻ không dám nói thật. Vì vậy hãy mở lòng và lựa chọn các ứng xử phù hợp hơn như khích lệ, động viên con và nhắc nhở con cẩn thận hơn cho lần sau.
5. Để con tự chịu trách nhiệm cho việc nói dối
Nói dối sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường, và nếu trẻ cứ lặp đi lặp lại dù đã được nhắc nhở, hãy để con tự trải nghiệm bài học cho mình. Ví dụ, nếu con chưa làm bài tập về nhà mà nói dối là làm rồi, bé sẽ chịu điểm kém và lời phê bình từ cô giáo. Sau đó, con có thể sẽ nhận ra việc mình nói dối không những không có tác dụng mà còn khiến thầy cô, cha mẹ buồn lòng.
6. Đừng quá gay gắt khi thấy con nói dối
Một số cha mẹ có phản ứng thái quá khi thấy con nói dối, thậm chí là đánh đập, chửi mắng con. Tuy nhiên, đây là điều không nên làm. Dạy con là cả một quá trình, cần sự kiên trì, bình tĩnh từ bố mẹ, đặc biệt là trong một số giai đoạn thay đổi đặc biệt.
Có một sự thật là mỗi khi trẻ làm sai thì phản ứng và cách ứng xử của cha mẹ lại ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ thành thật của trẻ. Cáu gắt, la hét hay đòi hỏi quá cao sẽ chỉ khiến trẻ thêm bối rối và tìm cách lẩn tránh sự thật. Chính vì vậy sự bình tĩnh và giữ thái độ chừng mực sẽ giúp cả cha mẹ và bé tìm hiểu, giải quyết vấn đề một cách triệt để, hiệu quả hơn.
Theo Trí Thức Trẻ