Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho hay ngày càng có nhiều cây bút nữ thể hiện sự dấn thân phản ánh các vấn đề của thời cuộc, tạo nên sự đột phá mới mẻ cho văn học Việt.
Ông khẳng định điều đó tại tọa đàm “Nhà văn nữ: Sống, viết và hy vọng” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 19/10 để điểm lại những đóng góp của các gương mặt nữ trong nền văn học Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn khẳng định các tác giả nữ đã đề cập đến nhiều vấn đề gai góc trong xã hội, đã thể hiện tình thương yêu con người, đặc biệt là trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, đã có nhiều tác phẩm văn thơ ra đời, phản ánh chân thực diễn biến cuộc sống.
[Chủ tịch Hội Nhà văn: ‘Không có văn hóa, nhân loại sẽ thành kẻ mù lòa’]
“Văn chương có sứ mệnh hàn gắn tâm hồn con người. Những nhà văn, nhà thơ nữ đã làm rất tốt vai trò ấy. Với bản chất của người phụ nữ là kiên nhẫn, bao dung, vị tha và nhân hậu, họ đã truyền tải tất cả những đức tính ấy vào trang viết,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Ông cho rằng trong đời sống, ai cũng có những đau khổ, phiền muộn, nhưng các tác giả nữ không bao giờ kể lể những nỗi niềm đó trong văn chương. Tác phẩm của họ luôn lấp lánh niềm hy vọng, mang lại sức mạnh vươn lên cho con người.
“Có những tác giả nữ có hoàn cảnh khó khăn, là mẹ đơn thân, gặp nhiều nghịch cảnh nhưng họ không than trách số phận hay chỉ trích xã hội. Trang viết của họ vẫn lành lặn, đẹp đẽ, lan tỏa những điều tích cực,” người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì cho rằng các tác giả nữ chính là chất men nồng say, lan tỏa hương thơm trong đời sống xã hội nhờ những câu chuyện được họ kể, những vấn đề họ gợi lên.
Ông nêu lên những cái tên nổi bật, từ những bậc “trưởng lão” trong làng văn như Nguyệt Tú (1926), Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (1927), Thanh Hương (1929); những cây bút kỳ cựu như Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thị Trường, Lê Minh Khuê, thế hệ 5X-6X như Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà đến những người “đầu xanh tuổi trẻ” như Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Đỗ Bích Thúy…
Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, các nhà văn, nhà thơ nữ đã dùng trí tuệ để tạo ra những tác phẩm vừa thấm đẫm cảm xúc, vừa giàu giá trị tư tưởng.
“Nói đến ‘văn chương mang gương mặt nữ’ là nói đến khả năng điều hòa tinh thần-đạo đức xã hội, là năng lực nhân đạo hóa, thuần hóa những nỗi đau của con người,” ông Bùi Việt Thắng khẳng định.
Theo ông, việc truyền thông điệp từ trái tim người viết đến trái tim độc giả là quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng trái tim dẫu có thổn thức đến bao nhiêu chăng nữa vẫn chỉ là một “trái tim đặt nhầm chỗ” nếu nhà văn không đặt vào đó chất trí tuệ.
“Đừng nghĩ văn chương của phái đẹp chỉ cần mềm mại, tinh tế là đủ. Không khó để chúng ta nhận ra trí tuệ mẫn tiệp của các tác giả nữ. Có những ‘chuyện thường ngày ở huyện’ lại lấp lánh một triết lý nào đó về cuộc đời, về con người,” nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định.
Đánh giá về tầm ảnh hưởng của các cây bút nữ, nhà phê bình Vũ Nho cho rằng ngoài văn xuôi và thơ, các tác giả nữ cũng ghi dấu ấn rõ rệt trong lĩnh vực lý luận phê bình.
“Sáng tác có thể dựa vào năng khiếu, tài năng trời cho nhưng lý luận phê bình đòi hỏi một quá trình dài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Do đó, mảnh đất ‘lý luận phê bình’ trước đây thường thấy nhiều cây bút là nam giới, song, chúng ta đã thấy ngày càng có nhiều nhà phê bình nữ vô cùng sắc sảo, có thể kể đến Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Chu Thị Thơm…,” ông Vũ Nho cho biết.
Văn chương Việt Nam ngày càng có nhiều cây bút “phủ sóng” rộng rãi và tạo dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn xuôi, thơ, lý luận phê bình… Mỗi người một dáng vẻ, một ngữ điệu, song đều góp phần quan trọng tạo nên diện mạo văn học Việt Nam hiện đại./.