Cha đẻ của Robert Kiyosaki là người học hành giỏi giang, ông hoàn thành chương trình đại học chỉ trong 2 năm, học thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học uy tín số một ở Hawaii.
Còn người cha nuôi (cha của bạn thân và là cố vấn tài chính cho Robert) chưa hoàn thành lớp 8, nhưng đã trở thành người giàu có nhất tiểu bang với khối tài sản hàng chục triệu đô.
Cả hai người cha của Robert Kiyosaki đều thành công trong sự nghiệp nhưng họ lại khuyên Robert những điều khác nhau về tiền bạc:
Người cha ruột thường nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.
Người cha nuôi lại bảo: “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.
Những sự khác nhau trong quan điểm của họ, nhất là khi đề cập đến tiền bạc, khiến Robert trở nên tò mò và bắt đầu suy nghĩ và tổng kết trong cuốn sách Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu, cha nghèo) – một trong những cuốn sách về tài chính cá nhân bán chạy nhất trên toàn thế giới với hơn 26 triệu bản.
Trong cuốn sách này, ông Robert Kiyosaki minh họa các quan điểm và niềm tin làm giàu bằng cách so sánh giữa lời khuyên của cha đẻ và cha nuôi.
Cuốn sách sẽ không dạy bạn những thủ thuật để làm giàu, nó giúp bạn hiểu được về quyền lực của đồng tiền và tác động của suy nghĩ lên tương lai và túi tiền của con người như thế nào:
Bài học số 1: Những người giàu không làm việc vì tiền
Robert khẳng định ngay từ đầu cuốn sách: Những người nghèo và trung lưu làm việc để kiếm tiền, những người giàu bắt đồng tiền làm việc cho họ.
Những người nghèo học tập chăm chỉ ở trường, đạt điểm cao và kiếm một công việc an toàn với đãi ngộ tốt ở những công ty lớn. Nhưng những bài học để trở nên giàu có thì rất khác, hầu hết mọi người không có thời gian để tìm hiểu nó. Họ mắc kẹt trong chu kì bất tận của sự sợ hãi và tham lam.
Lo lắng không có tiền buộc họ phải làm việc, sau đó lại chi nhiều tiền hơn cho những khao khát khác. Họ làm việc ngày càng chăm chỉ hơn và cũng tiêu ngày càng nhiều tiền hơn. Mọi người đều mong muốn có sự đảm bảo về tài chính, vì vậy thay vì đam mê, họ để nỗi sợ điều khiển.
Làm việc để kiếm tiền chắc chắn dễ dàng hơn nhưng chỉ khi bạn đầu tư thời gian để tạo ra tiền tài chính của bạn mới được đảm bảo.
Nếu bạn nói rằng: “Tôi không quan tâm đến tiền bạc. Tiền bạc không phải là tất cả”, thì đó là lý do bạn phải làm việc 8 giờ mỗi ngày.
Bài học số 2: Nhất định phải hiểu biết về tài chính
Quy tắc tài chính chỉ có một: Hiểu rõ tài sản và tiêu sản. Mặc dù đơn giản, nhưng hầu hết các trường lớp không đào tạo kĩ năng này. Tài sản là những thứ đem lại tiền cho bạn còn tiêu sản thì ngược lại, nó khiến bạn phải chi nhiều tiền hơn.
Với nhiều người, một ngôi nhà đẹp là sự đầu tư lớn nhất của họ, dù nó không phải là một tài sản mà là một tiêu sản, vì nó làm cho tiền ra khỏi túi nhiều hơn. Nhiều người phải làm vất vả cả đời để trả tiền cho một ngôi nhà mà họ không bao giờ thực sự sở hữu.
Kết quả là cột tài sản của họ ngày càng giảm, mà tiêu sản thì ngày càng tăng. Chính điều này dẫn đến bi kịch của tầng lớp trung lưu. Nguồn thu nhập duy nhất của họ là tiền lương nên mức độ đảm bảo tài chính rất mong manh.
Bài học số 3: Hãy tự kinh doanh
Người nghèo và tầng lớp trung lưu dành hầu hết thời gian và công sức để làm việc cho người khác. Thực tế rằng, nếu tính tất cả số tiền thuế mỗi công dân phải nộp cho chính phủ, một người Mỹ phải làm việc 6 tháng để đóng thuế.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa nghề nghiệp với một doanh nghiệp riêng. Đa số mọi người học tập ở trường và làm việc theo những gì họ được học. Con đường đó không thể giúp bạn giàu có. Thay vào đó hãy tập trung vào con đường riêng của bạn, cho phép bản thân thử sức để vươn tới ước mơ riêng.
Bài học số 4: Sức mạnh của tri thức
Cơ hội làm giàu chia đều cho mỗi người, nhưng đa số chúng ta không nhận ra nó đúng lúc. Tri thức là điều quan trọng nhất để bạn luôn sẵn sàng nắm lấy mọi cơ hội. Tại sao chúng ta phải hiểu biết về tài chính, luật pháp? Tại sao phải mạo hiểm? Câu trả lời đơn giản là để bạn có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tri thức sẽ là thứ giúp bạn kiếm ra nhiều tiền, những điều bạn không biết sẽ khiến bạn mất tiền. Theo tác giả, đầu tư kinh doanh không phải việc mua bán tài sản, mà đó là sự hiểu biết. Công việc nào cũng có những rủi ro, tri thức là công cụ giúp bạn xoay sở, xử lí những rủi ro này thay vì né tránh chúng.
Bài học số 5: Làm việc để học hỏi, đừng làm việc vì tiền
Tác giả kêu gọi những người trẻ tuổi hãy “làm công việc giúp bạn học hỏi được nhiều điều hơn số tiền bạn kiếm được”.
Trong sách Cha giàu, cha nghèo, tác giả ghi lại một đoạn hội thoại với sinh viên: “Bao nhiêu người trong các bạn có thể làm một cái hamburger ngon hơn McDonald’s?, và hầu như tất cả các sinh viên đều giơ tay.
Sau đó ông hỏi tiếp: “Vậy tại sao McDonald’s lại kiếm được nhiều tiền, còn các bạn thì không?. Đó chính là lí do nhiều người tài năng lại chịu cảnh nghèo, là vì họ tập trung vào việc làm ra một cái bánh ngon nhưng lại biết quá ít hoặc không biết gì về kinh doanh. Nếu bạn muốn làm giàu, hãy làm việc để học hỏi. Nếu bạn chỉ quan tâm đến tiền lương, có lẽ bạn sẽ không bao giờ giàu có”.