Ngày 3/11, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tổ chức họp báo Liên hoan Cải lương toàn quốc-2021.
Diễn ra từ ngày 5-20/11, Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức.
Liên hoan có 22 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên) với 27 vở diễn tham gia.
Tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự, Ban tổ chức không hạn chế đề tài, nhưng đặc biệt khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,” thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.”
[Tạo cơ hội cho các tài năng trẻ tiếp nối giá trị nghệ thuật cải lương]
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết mỗi diễn vở tham gia phải có thời lượng từ 90-150 phút, được dàn dựng từ năm 2017 đến nay, hoặc được phục dựng với êkíp sáng tạo mới nhưng chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức.
Các vở diễn có nội dung không đi ngược chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương.
Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây.
Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu… Song có thể khẳng định dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng tới những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với những dấu ấn thời đại.
Ngày nay, với nhiều loại hình giải trí số hấp dẫn, mới mẻ, việc bảo tồn và phát triển Cải lương đứng trước nhiều thử thách.
Bộ Văn hóa thể, Thao thao và Du lịch mong muốn thông qua những liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Cải lương không chỉ là của những người làm nghề, mà còn cần sự chung tay của mọi công dân nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước; góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Liên hoan Cải lương toàn quốc-2021 được tổ chức tại phường 4, thành phố Tân An.
Lễ khai mạc và bế mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Long An, HTV1, Truyền hình cáp Việt Nam.
Các vở diễn dự thi sẽ được phát sóng trên Truyền hình cáp Việt Nam sau khi Liên hoan kết thúc./.