Dự án phim “Chachacha” của Đỗ Quốc Trung đã phải mất 8 năm để đi nhiều liên hoan phim nước ngoài như Busan, Lorcano, Đài Bắc… tìm kiếm tài chính song vẫn “trắng tay”.
Với giải thưởng từ Ban Giám khảo chợ dự án tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2022, Quốc Trung cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được hỗ trợ ngay tại đất nước mình đồng thời nghĩ tới viễn cảnh lý tưởng: Có thể quay phim ngay tại Thủ đô – nơi diễn ra bối cảnh của phim và cũng chính là nơi mà đã lâu nay hiếm có dự án điện ảnh nào nói chung, phim dài nghệ thuật nào nói riêng được tổ chức sản xuất.
Bước đệm từ chợ dự án
Ý tưởng phim của Quốc Trung xoay quanh sự đứt gãy thế hệ, trong một ngôi nhà có người cháu đang cố dạy người ông cao tuổi bộ môn Cha Cha Cha để thắng cuộc thi khiêu vũ trên truyền hình. Nếu thắng, người ông sẽ dùng tiền thưởng để đi mua ngay nấm mồ mà ông mơ ước, còn người cháu lại muốn mua chiếc máy lạnh nhằm thoát khỏi mùa hè Hà Nội oi bức.
Phần trình bài ý tưởng của Quốc Trung đã “rinh” về cho anh Giải thưởng của Ban Giám khảo chợ dự án HANIFF 2022. Đây vốn là một giải thưởng không có dự tính ban đầu (chỉ trao 1 giải nhất). Với giải thưởng này, Quốc Trung được phía BHD (một trong hai nhà tài trợ của chợ dự án) cung cấp thiết bị quay phim. Đây là khoản chi phí lớn, được một số nhà làm phim ước lượng là có thể chiếm từ 50-60% tổng số tiền thực hiện một bộ phim.
[Giám khảo quốc tế: Liên hoan phim Hà Nội cần xây dựng bản sắc riêng]
“Giải thưởng sẽ như một tấm giấy thông hành để tôi kêu gọi các nhà đầu tư cũng như có thể đến quay tại những địa điểm đẹp của Hà Nội một cách dễ dàng hơn. Tôi đã có mặt tại HANIFF từ năm đầu – năm 2010 đến nay, trải qua 12 năm để có thể theo đuổi việc làm phim đầy khó khăn. Tôi vô cùng hạnh phúc khi giành giải thưởng ngay lại một liên hoan phim của Hà Nội,” Quốc Trung chia sẻ.
Bên cạnh giải thưởng cho “Chachacha,” chợ dự án HANIFF năm nay đã trao giải nhất (trị giá 2.000 USD) cho dự án “Chúa đất“ của tác giả Đỗ Thanh Sơn.
Trái với bối cảnh hiện đại của “Chachacha,” tác phẩm đạt giải nhất – “Chúa đất” của tác giả Đỗ Thanh Sơn trở lại quá khứ hơn 200 năm trước. Dựa trên một cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy, “Chúa đất” theo đuổi thể loại dã sử. Đây là thể loại khó, bởi muốn phim thực sự thuyết phục, người làm phim cần đáp ứng các yêu cầu vô cùng cao về mặt bối cảnh lịch sử, trang phục, đạo cụ, nội dung…
Dù không phải một người trẻ, thậm chí đã có nhiều kinh nghiệm ở vị trí sản xuất điện ảnh và truyền hình, tác giả Thanh Sơn vẫn coi giải thưởng chợ dự án là nguồn động viên vô cùng lớn để tự tin thực hiện dự án khi đã hoàn thiện kịch bản.
“Đây là dự án tôi đã ấp ủ 2-3 năm nay, một phần bị cản trở vì dịch bệnh. Số tiền giải thưởng không phải quá lớn nhưng chắc chắn cũng không quá nhỏ. Thực chất, điều có tính quyết định nhất, hạnh phúc nhất với giải thưởng này chính là những động lực, tiền đề để giúp tôi tin tưởng đi kêu gọi thêm kinh phí cho dự án,” anh Thanh Sơn cho biết.
Theo dõi chợ dự án từ những ngày đầu, anh cho rằng đây là mô hình rất ý nghĩa, đặc biệt với các nhà làm phim trẻ. Dẫu đã có nhiều kinh nghiệm, chợ dự án vẫn tạo ra cho anh áp lực khi phải cọ xát ngay từ giai đoạn ý tưởng, mặc cho chuyện phim và thành công của tiểu thuyết “Chúa đất” là yếu tố khiến anh tự tin nhất.
Ở lần tổ chức thứ tư của chợ dự án HANIFF, đại diện ban giám khảo – ông Nguyễn Phan Quang Bình, Chủ tịch Công ty BHD, khẳng định mô hình luôn hướng đến việc trở thành bản lề cho người làm phim tiềm năng.
“Sau 3 năm, các phim như ‘Xu hướng John Denver’ (Philippines), ‘Trời sáng rồi ta đi ngủ thôi’ (Việt Nam) đều đã được chợ dự án chắp cánh để hoàn thiện, rồi trở lại trình chiếu tại chính HANIFF mùa sau, được đi chu du một số liên hoan phim trong khu vực. Ở lần tổ chức thứ tư, chợ dự án vẫn giữ tinh thần tạo ra bước đệm, đặt những viên gạch đầu tiên cho các dự án thực sự có tiềm năng, nối dài các thành công trước đó,” ông Quang Bình chia sẻ.
Cơ hội giao lưu và học hỏi
Điện ảnh là một cuộc chơi vô cùng tốn kém, rủi ro, còn người làm phim, đặc biệt là người làm phim trẻ, phim độc lập, cần phải bền bỉ, nỗ lực rất nhiều. Đây là sự thật được giới làm phim công nhận và thấm thía.
Chính vì vậy, việc có được cơ hội xem một bộ phim quốc tế xuất sắc, đặc biệt là những phim hay từ các quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, rồi được trao đổi trực tiếp với chính người làm phim là vô cùng quý giá.
Gặp gỡ với một đạo diễn làm phim về nạn bạo hành gia đình, biên kịch-diễn viên Nhã Uyên đã có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cho riêng mình. Trước đó, chị đã viết kịch bản cho “Đêm tối rực rỡ” – một bộ phim cũng xoay quanh nạn bạo hành gia đình tại Việt Nam.
“Qua trao đổi với chị, tôi mới thấy phim của mình và của chị ấy khác nhau, giống nhau như thế nào, rộng ra là tính con người ở mỗi quốc gia được thể hiện ra sao. Làm phim độc lập rất khó, nếu có thể kết nối giữa các nước thì sẽ rất hay vì các bên có thể bù đắp điểm mạnh, điểm yếu cho nhau. Vì vậy, đây là cơ hội có 1-0-2 để chúng tôi học hỏi từ một bộ phim tốt,” nữ biên kịch nhận xét.
Cùng suy nghĩ, đạo diễn người Hàn Quốc Ji Un Choi của dự án “BADA” (chợ dự án HANIFF) đánh giá liên hoan phim Hà Nội là một trải nghiệm quý giá với chị. Tại đây, nữ đạo diễn đã tiếp cận nhiều ý tưởng làm phim đặc sắc, đa dạng về chủ đề.
“Tôi được tiếp xúc với một nhà làm phim tài liệu người Malaysia và cảm thấy rất ấn tượng về ý tưởng của chị ấy cho bộ phim. Tôi cũng đã được nghe phần trình bày các dự án cùng dự thi với mình tại chợ dự án nữa, tất cả đều rất đa dạng về chủ đề và có những câu chuyện mang chất lượng thực sự cao,” nữ đạo diễn Hàn Quốc chia sẻ.
[HANIFF lần 6: Brazil, Iran thắng các giải quan trọng dành cho phim dài]
Giám khảo hạng mục phim ngắn Elvert Bañares người Philippines lại hết sức trân quý trải nghiệm làm việc với những đồng nghiệp trong cùng ban giám khảo phim ngắn. Vốn là người làm phim độc lập, anh cũng yêu thích những cơ hội tiếp cận với phim độc lập từ các quốc gia khác.
“Dù lịch của ban giám khảo rất chặt bởi chúng tôi phải đi xem các phim dự thi để chấm giải, nhưng có một phim Việt tôi đã được xem là ‘Memento Mori: Đất.’ Bộ phim rất đẹp và tôi thích nó vô cùng. Điều tuyệt vời nữa là tôi được làm việc với những con người xuất sắc – Chủ tịch Ban giám khảo phim ngắn bà Wakai Makiko từ Nhật Bản và ông Nguyễn Hoàng Lâm của Việt Nam. Họ đều rất chuyên nghiệp, có sự tôn trọng lớn với cả các bộ phim và những người làm phim. Điều đó rất quan trọng với tôi và đó là lý do tôi thật sự trân trọng cơ hội được làm việc cùng họ,” ông Elvert chia sẻ.
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 6 đã kết thúc sau 5 ngày, từ 8-12/11, với nhiều hoạt động xoay quanh chủ đề “Điện ảnh – Nhân văn, thích ứng và phát triển.” Theo lịch tổ chức 2 năm/lần, HANIFF lần thứ 7 sẽ quay lại với khán giả Thủ đô trong năm 2024./.