Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (huyện Thạch Thất) vấn chiếc khăn bít trôốc lên đầu, thắt lại bộ tênh (khăn thắt ở eo) truyền thống của người Mường. Bà phấn khởi về dự ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
[Khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam]
Với nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, đây là cơ hội để bà giao lưu, gặp gỡ với nghệ nhân các dân tộc anh em đồng thời quảng bá, giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Mường, di sản mà bà đã nỗ lực gìn giữ nhiều năm nay.
Nơi gặp gỡ của những chủ thể văn hóa
Hàng chục năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (sinh năm 1952) ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) luôn miệt mài truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Thủ đô.
Tâm huyết, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cồng chiêng, năm 2015, bà Thìn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với phần thưởng 10 triệu đồng, bà vay mượn thêm 8 triệu để mua đủ bộ 12 chiêng. Từ đó, không chỉ truyền dạy cho người trong thôn xã mình, bà Thìn còn dạy cồng chiêng cho người dân huyện Quốc Oai, Ba Vì và các tỉnh bạn, xa nhất là miền núi Thanh Hóa. Đặc biệt, trong nhiều năm, nghệ nhân đã sáng tác, dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng được khán giả đón nhận và yêu mến.
Vừa giảng dạy, bà Thìn vừa tích cực vận động các thôn, xã thành lập đội cồng chiêng. Nhờ được chính quyền địa phương ủng hộ, huyện Thạch Thất hiện đã có trên 22 đội cồng chiêng với gần 300 người tham gia.
Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn bày tỏ mong muốn rằng Nhà nước và thành phố sẽ có thêm chính sách quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung.
“Mỗi dân tộc có một di sản văn hóa độc đáo, một ‘màu cờ sắc áo’ riêng. Ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người xa rời truyền thống, lực lượng biểu diễn cồng chiêng ở địa phương cũng có nhiều người ở độ tuổi 30-40, phải lo làm kinh tế. Do đó, việc bảo tồn và phát huy di sản gặp nhiều khó khăn. Tôi mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, để chúng tôi có thể góp thêm màu sắc cho bức tranh văn hóa dân tộc thêm rực rỡ,” bà chia sẻ.
Từ miền núi Cao Bằng về dự ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc, nghệ nhân ưu tú Lưu Văn Sơn, 62 tuổi mang theo trăn trở làm sao để bảo tồn tiếng khèn Mông của dân tộc mình.
“Tôi biết thổi khèn từ năm 12 tuổi, đi học khèn đến năm 17 tuổi thì trở về quê, phục vụ bà con. Đến nay, tôi đã đi truyền dạy cho con cháu Mông ở khắp các tỉnh trong nước. Trong số các học trò của tôi, có 15 người cũng đã trở thành thầy dạy khèn,” nghệ nhân chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm với nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, ông Lưu Văn Sơn mong Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo để thế hệ trẻ tiếp tục duy trì bản sắc tốt đẹp của dân tộc, vốn đang bị lu mờ trước sự phát triển của văn hóa hiện đại.
“Đã là nghệ nhân thì không mưu cầu điều gì riêng cho mình. Chúng tôi tự đi khắp nơi để truyền dạy, nhưng tổ chức lớp học thì phải có kinh phí. Nhiều thanh niên bảo tôi rằng đi học là mất một ngày công lao động. Do đó, tôi rất trăn trở về công tác truyền dạy,” ông Sơn bày tỏ.
Bảo vệ ‘báu vật nhân văn sống’
Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, thừa nhận thực tế rằng hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó.
“Sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào dân tộc ít người. Hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại số ít người cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình; những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp có khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản. Do đó, vai trò của các nghệ nhân là rất quan trọng trong công tác bảo tồn di sản,” ông Đinh Xuân Thắng nhận định.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Ngọc Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại đồng tình với quan điểm đó.
Ông cho rằng các nghệ nhân là “báu vật nhân văn sống” trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể và và thể bằng cách trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghệ nhân chính là “hạt nhân” của bảo tồn di sản.
Để các nghệ nhân dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá tộc người, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ông Lê Ngọc Thắng cho rằng ngành văn hóa cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có chính sách thoả đáng về vật chất và tinh thần, phù hợp đối với “báu vật nhân văn sống” của di sản.
Ngoài ra, ngành văn hóa cần có phương thức đào tạo, bồi dưỡng để tạo dựng đội ngũ có kiến thức, kỹ năng kế thừa thế hệ các nghệ nhân trong cộng đồng làm hạt nhân để tiếp tục bảo tồn, phát huy lan toả sự nghiệp trong cộng đồng cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội và phát triển của quốc gia, địa phương.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của người dân, các nghệ nhân, chủ thể của hoạt động văn hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc ở các làng, bản dân tộc thiểu số ở các địa phương, từ đó góp phần nâng cao thực hành và hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc.
Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên chính là dịp để cổ vũ, khích lệ những cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích rất đáng tự hào về công tác lưu giữ, trao truyền các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
“Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các nghệ nhân, các chuyên gia văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc,” bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho hay./.