Đầu năm 2023, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ công diễn vở kịch “Người đi dép cao su” của tác giả nổi tiếng người Algeria – Kateb Yacine. Nhân vật trung tâm là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Đó là thông tin Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc cung cấp cho báo chí trong cuộc họp ngày 21/11.
“Tập kịch rất dài gồm 8 hồi, với khoảng 150 nhân vật có lời thoại. Nội dung trải dài theo tiến trình lịch sử Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969,” Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết.
Kateb Yacine đã đến Việt Nam năm 1967, ông đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để bắt tay xây dựng vở kịch này. Nguyên bản tác phẩm này xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1970. Bốn mươi năm qua, vở kịch đã đến với nhiều thế hệ khán giả nước ngoài. Tới đây, lần đầu tiên công chúng Việt Nam sẽ được thưởng thức vở kịch này.
Cũng trong cuộc họp báo, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thông tin về chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nhà hát.
Theo đó, khán giả sẽ được xem 10 vở kịch nổi bật trong thời gian gần đây: “Đêm trắng” (cố tác giả: Lưu Quang Hà, đạo diễn: Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc), “Kiều” (tác giả chuyển thể: Nhà văn Nguyễn Hiếu, cố đạo diễn: Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú), “Bệnh sỹ” (cố tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Nghệ sỹ nhân dân Tuấn Hải), “Bão tố Trường Sơn” (cố tác giả: Trương Minh Phương, cố đạo diễn: Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú), “Điều còn lại” (tác giả: Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Nghệ sỹ ưu tú Kiều Minh Hiếu), “Người trong cõi nhớ” (cố tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Nghệ sỹ ưu túTrịnh Mai Nguyên), “Người tốt nhà số 5” (cố tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Nghệ sỹ ưu tú Tạ Tuấn Minh), “Người yêu… Hoa hậu” (tác giả: Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang, đạo diễn: Tùng Linh).
Các vở kịch sẽ được tổ chức biểu diễn từ ngày 8/12 đến ngày 17/12 tại Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 16/12.
Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc khẳng định: “Đây là dịp để các thế hệ cán bộ công nhân viên, nghệ sỹ, diễn viên, người lao động Nhà hát Kịch Việt Nam nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển và cống hiến, cũng như khẳng định sức vóc của ‘Anh cả đỏ’, ‘Cánh chim đầu đàn’ của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam, khẳng định sự chuyển mình đầy đột phá trong giai đoạn mới với sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn với khán giả.”
Theo nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hộim, trong đó, lĩnh vực văn hóa và biểu diễn nghệ thuật đã chịu ảnh hưởng trực tiếp khi nhiều hoạt động nghệ thuật trên cả nước bị gián đoạn, các nghệ sỹ ít có cơ hội được biểu diễn trên những sân khấu đông người.
Đời sống tinh thần của toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng theo. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm Nhà hát Kịch Việt Nam đã khơi dậy ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sỹ và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, với nhiều chủ đề, đề tài nóng hổi của cuộc sống đương đại.
[Đạo diễn Việt Nam-Hàn Quốc cùng dựng kịch về phận người thời hậu chiến]
Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Nhà hát đã tổ chức gần 150 đêm diễn phục vụ đông đảo khán giả tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, đón tiếp hơn 50.000 lượt khán giả theo dõi, đặc biệt là những chuyến công tác nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) tại các tỉnh biên giới phía Bắc và chuỗi chương trình biểu diễn chào mừng Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và 200 năm danh xưng Ninh Bình.
Cùng với đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho ra đời 4 chương trình nghệ thuật: Chùm kịch ngắn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sáng mãi tên Người,” vở “Nhân thế,” “Người trong cõi nhớ” và “Người yêu… Hoa hậu.”
Về hợp tác quốc tế, Nhà hát Kịch Việt Nam có hai dự án nhạc kịch “Alice in Wonderland” phối hợp với tập đoàn Pacific Ocean Partners (POP) và Trường Đại học Australian Institute of Music; và vở kịch “Bến không chồng” phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) cùng Trung tâm Văn hóa châu Á (ACC) dàn dựng./.