Trong suốt 20 năm qua, nhờ sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP), 16 bảo tàng và di tích tại Việt Nam đã được hồi sinh. Sự giúp đỡ quý báu ấy đã góp phần thắt chặt giao lưu văn hóa và củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Ngày 23/11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 20 năm Ngày thành lập Quỹ AFCP, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam” nhằm tổng kết hiệu quả trong bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam.
‘Trị liệu’ cho di sản
Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, năm 2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua. Chính vào thời điểm quan trọng ấy, Quỹ AFCP đã đến Việt Nam và hỗ trợ thực thi ngay Luật Di sản văn hóa với một dự án quan trọng về bảo quản, tu sửa một sưu tập gần 100 cổ vật, bảo vật vô cùng quý giá ở chùa Dâu, một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng ở Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá rất cao dự án này bởi vì nó thể hiện một tầm nhìn chiến lược trong hoạt động ngoại giao văn hóa của Hoa Kỳ và giúp Việt Nam nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp những tài sản văn hóa đang có nguy cơ bị mai một bằng những hoạt động chuyên môn thiết thực. Thành công của dự án đã đặt nền móng vững chắc cho các công trình bảo tồn tiếp theo,” Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nói.
Từ sự khởi đầu có ý nghĩa ấy, 20 năm qua, 16 dự án bảo vệ di sản tại Việt Nam đã được hưởng lợi từ Quỹ AFCP với sự hỗ trợ tài chính là 1,2 triệu USD, trong đó có 5 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể, hàng trăm hiện vật và tác phẩm nghệ thuật đã được bảo tồn và phát huy giá trị.
“Đôi khi chúng ta không nhận ra rằng di sản của mình đang xuống cấp và sắp mất đi. Ý nghĩa đặc biệt của Quỹ AFCP là phía Hoa Kỳ chủ động ‘bắt bệnh’ di sản, đặt vấn đề rằng ‘các bạn có cần chúng tôi hỗ trợ để tu bổ di sản này không’. Đó là điều rất đáng quý,” bà Lê Thị Minh Lý nói.
Theo tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Quỹ AFCP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội tuyệt vời để di sản được cứu nguy, để “chữa lành” những vết thương do thời gian, thời tiết và cả chính con người. Những di sản của cha ông đã trở nên có sức sống hơn bởi kỹ thuật tu sửa từ các nghệ nhân tài hoa từ cộng đồng. Họ thực hành tu bổ, bảo quản với sự tham vấn của hội đồng khoa học có chuyên môn.
Chia sẻ về dự án tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng cho hay Quỹ AFCP đã hỗ trợ bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng, đó là tác phẩm “Hội chùa” của hoạ sỹ Lê Quốc Lộc và Nguyễn Văn Quế, sáng tác năm 1939, và tác phẩm “Nam Bắc một nhà” của hoạ sỹ Nguyễn Văn Tỵ, sáng tác năm 1961.
“Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Quỹ AFCP đã góp phần bảo tồn hai tác phẩm quý giá này, và hai tác phẩm hiện nay đang được giới thiệu, phát huy hiệu quả tại phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,” Tiến sỹ Lê Anh Minh khẳng định.
Đó là minh chứng sinh động về tính hiệu quả và thiết thực của sự hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa, giúp Việt Nam nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo vệ khẩn cấp những tài sản văn hóa đang có nguy cơ mai một bằng hoạt động chuyên môn thiết thực.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam ghi nhận những thành tựu từ những sáng kiến, nỗ lực chung của hai nước trong hợp tác về bảo tồn di sản văn hóa.
[Ngày 18/11 sẽ tiếp nhận cổ vật do Hoa Kỳ trao trả cho Việt Nam]
Ông Đỗ Văn Trụ khẳng định Quỹ AFCP với 16 dự án hỗ trợ bảo tồn đa dạng các loại hình di sản văn hóa tại Việt Nam là ví dụ điển hình cho chúng ta thấy lợi ích cụ thể và rõ ràng nhất trong việc tận dụng các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bổ sung trong bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa cấp thiết và thực tiễn đối với các trường hợp di sản trong tình trạng nguy cấp, cần hành động khẩn cấp.
“Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản văn hóa cũng là một bài học hết sức quý báu và cần thiết trong bối cảnh hiện nay,” ông Đỗ Văn Trụ nói.
Sát cánh cùng di sản Việt
Giám đốc chương trình Quỹ AFCP, ông Martin Perschler bày tỏ sự tự hào bởi ở dấu mốc 20 năm thành lập, Quỹ vẫn trung thành với đúng sứ mệnh đề ra từ ban đầu và tiếp tục thể hiện một khía cạnh khác của Hoa Kỳ là ghi nhận tầm quan trọng của di sản văn hóa trong quan hệ song phương và trong cuộc sống thường ngày.
“Chúng tôi mong đợi được hợp tác cùng Việt Nam trong tương lai trong việc bảo tồn văn hóa thông qua Quỹ AFCP cũng như các chương trình, hoạt động khác. Chúng tôi đang thực hiện điều này trên tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, xuất phát từ nền tảng của các mối quan hệ và kết nối độc đáo với nhau thông qua lợi ích chung trong bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam,” ông Martin Perschler nói.
Nói về lộ trình tiếp theo của Quỹ AFCP, bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định Quỹ vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, tạo điều kiện phục hồi và phát huy giá trị di sản truyền thống, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc của Việt Nam, không phân biệt dự án của Nhà nước, của một cộng đồng dân tộc hay thậm chí là một cá nhân, miễn là dự án đó khả thi.
“Sau 2 thập kỷ và 1.000 dự án thì Quỹ AFCP đã tiếp tục thể hiện một diện mạo khác của Hoa Kỳ với các quốc gia, đáp ứng được những mục tiêu về bảo tồn văn hóa. Chúng tôi cam kết tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam bảo tồn các loại hình văn hóa cả vật thể và phi vật thể trong kho tàng di sản rất phong phú của Việt Nam,” bà Kate Bartlett nói./.