Tối 25/11, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, phường 1, thành phố Bạc Liêu, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) tổ chức chung kết xếp hạng Hội thi Tiếng hát người làm báo khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ năm 2022 với chủ đề “Âm vang vọng cổ.”
Đây là hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa-Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Tham gia vòng chung kết xếp hạng có 9 thí sinh (biểu diễn 7 tiết mục) là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan báo chí khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.
Trước đó, vòng bán kết được tổ chức tại các tỉnh Đồng Tháp (khu vực Bắc sông Hậu), Bạc Liêu (khu vực Nam sông Hậu) và Thành phố Hồ Chí Minh (khu vực miền Đông Nam Bộ).
[Khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022]
Phát biểu chào mừng tại Hội thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ, gắn với tên tuổi cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu và bản “Dạ cổ Hoài lang” bất hủ, cũng như những giai thoại về chàng Công tử Bạc Liêu hào hoa, phóng khoáng, tạo nên nét đặc sắc riêng có của Bạc Liêu mà bạn bè, du khách gần xa thường xuyên nhắc đến.
Việc được chọn đăng cai lần đầu tiên một Hội thi ca cổ dành riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí là niềm vinh dự, tự hào đối với tỉnh Bạc Liêu.
Đây là dịp để những người làm báo có cơ hội gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nghiệp vụ làm báo; đồng thời là hoạt động rất có ý nghĩa, làm phong phú thêm các hoạt động Ngày hội Văn hóa-Du lịch của tỉnh.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam, đồng trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh Hội thi Tiếng hát người làm báo với chủ đề “Âm vang vọng cổ” là cuộc thi ca cổ đầu tiên trên cả nước dành riêng cho những người làm báo, góp phần vào việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật cải lương đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, làm phong phú thêm các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa-Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” diễn ra từ ngày 27-29/11.
Hội thi cũng nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, các nhà báo thuộc 20 Hội Nhà báo khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.
Với mong muốn Hội thi đạt chất lượng cao về chuyên môn, lan toả trong cộng đồng, Ban tổ chức đã các mời thành viên Hội đồng giám khảo danh tiếng, không chỉ để chấm điểm cho thí sinh mà bằng sự tâm huyết với nghề, các vị giám khảo đã góp ý, hỗ trợ về kỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, tiếp thêm sức mạnh niềm tin, góp phần cho phong trào ca cổ phổ biến sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo, tạo một nét đẹp văn hóa trong phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phát động.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Phạm Thị Cẩm Nguyên (Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang), giải nhì cho thí sinh Lê Hải Đăng (Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre) và Lê Thái (Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu); ngoài ra còn có 3 giải ba và 4 giải khuyến khích./.