Ngày 29/11, Thư viện thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) khai trương “Không gian sách tiếng Pháp.”
Ông Kaloyan Kolev, cán bộ phụ trách chương trình hợp tác, Cơ quan đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết dự án “Không gian sách tiếng Pháp” là một phần của các chương trình hỗ trợ tăng cường tri thức bằng tiếng Pháp và tiếp cận với kiến thức và nội dung văn hóa, được Vụ Tiếng Pháp và Đa dạng Văn hóa Pháp ngữ (DLC) của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ thực hiện.
Dự án được triển khai từ năm 2020 đến 2022 tại Hà Nội (Thư viện Quốc gia Việt Nam) và 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương).
Gần 10.000 cuốn sách (tương đương 180.000 euro) của các tác giả đến từ những nước nói tiếng Pháp, mang giá trị văn học cao, góp phần tăng cường vốn tài liệu của các thư viện thụ hưởng.
Đại diện đơn vị tiếp nhận, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết “Không gian sách tiếng Pháp” tại Thư viện thành phố Cần Thơ, bao gồm 727 cuốn sách bằng tiếng Pháp, trong đó khoảng 50% số sách thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, giáo dục, ngôn ngữ, khoa học chính xác, khoa học ứng dụng, y tế, nông nghiệp, nghệ thuật, thể thao, văn học, và các sách tra cứu; 50% còn lại là sách dành cho thanh-thiếu nhi.
Dự án có sự góp mặt của những tác phẩm kinh điển như: “Le corps de ma mère” (Bí mật của mẹ) của tác giả Fawzia Zouari, “La Théo des fleuves” của tác giả Jean-Marc Turine, đạt giải thưởng 5 châu lục của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (bản tiếng Việt có tên gọi “Người đàn bà Di gan” đã xuất bản tại Việt Nam) hay những bộ truyện tranh được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích như “Les Schtroumpfs,” “Spirou et Fantasio,” “Une aventure d’Astérix“…
“Không gian sách tiếng Pháp” tại Thư viện thành phố Cần Thơ sẽ là nơi cung cấp thông tin, tri thức cho nhân dân trên địa bàn thành phố về đất nước, con người, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới; đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Pháp.
Theo bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia, để được lựa chọn là điểm triển khai mô hình “Không gian sách tiếng Pháp,” thư viện phải là điểm sáng trong các hoạt động thư viện, có phong trào phát triển văn hóa đọc.
Là một trong tám điểm được lựa chọn, Thư viện thành phố Cần Thơ có lợi thế về quá trình hoạt động tiêu biểu trong phát triển văn hóa đọc.
Bà Kiều Thúy Nga đề nghị Thư viện thành phố Cần Thơ tăng cường truyền thông cho người dân thành phố nắm bắt và khai thác tốt nguồn tài liệu sách tiếng Pháp quý này, thông qua các hoạt động như tổ chức triển lãm, chuyên đề, giới thiệu sách… trực tiếp và trên các nền tảng số, đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến đọc, lồng ghép trong các chương trình như chuyến xe tri thức, hội thi giới thiệu sách…
Em Lê Quốc Thành, học sinh lớp 5.11, trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ chia sẻ em đã theo học tiếng Pháp được 5 năm và rất yêu thích môn ngoại ngữ này. Tuy nhiên, nguồn học liệu cũng như không gian văn hóa Pháp tại Cần Thơ còn rất hạn chế.
Việc khai trương “Không gian sách tiếng Pháp” tại Thư viện thành phố Cần Thơ là sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với những người đang theo học các chương trình tiếng Pháp tại Cần Thơ như Thành cũng như những người yêu quý văn hóa Pháp. Đây sẽ là nơi để mọi người tìm đọc các tài liệu sách tiếng Pháp, từ đó nâng cao khả năng ngôn ngữ tiếng Pháp và tìm hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa Pháp.
[Việt Nam nêu 3 nhóm đề xuất lớn về định hướng của Cộng đồng Pháp ngữ]
Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, những năm qua, thành phố Cần Thơ luôn duy trì tốt chương trình giảng dạy tăng cường tiếng Pháp trong trường học. Hiện có 22/276 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn thành phố có giảng dạy tiếng Pháp, chiếm khoảng 8%.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Cần Thơ cũng là nơi tích cực quan tâm đào tạo chuyên môn và kỹ năng cho sinh viên liên quan đến tiếng Pháp.
Thành phố Cần Thơ cũng là nơi nhiều lần tổ chức các hoạt động nổi bật của cộng đồng Pháp ngữ như: Ngày hội Pháp ngữ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (2015, 2019); các hoạt động liên kết hợp tác về đào tạo Pháp ngữ, trao học bổng Việt-Pháp, hội thảo việc làm Pháp ngữ, sinh hoạt văn hóa, biểu diễn các tác phẩm bằng tiếng Pháp và song ngữ Việt-Pháp…
Đặc biệt, năm 2016 thành phố Cần Thơ đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 10, góp phần tích cực thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia Việt-Pháp trong thời kỳ mới, khẳng định sức sống của tiếng Pháp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung./.