Du lịch cộng đồng là một hình thức của du lịch xanh, không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa.
Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, để thành công, các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để du lịch cộng đồng phát triển.
Giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa
Bản Phảy Thái Minh nằm ở xã Tiên Kỳ là một trong những điểm đến được huyện lựa chọn để xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng. Đây là bản có 100% đồng bào là dân tộc Thái với nhiều bản sắc văn hóa riêng được gìn giữ khá nguyên vẹn.
Từ nền tảng vốn có với những ngôi nhà sàn cổ, xã Tiên Kỳ đã chọn bốn hộ gia đình có đủ điều kiện để làm nơi lưu trú du lịch cộng đồng. Về với bản Phảy Thái Minh, du khách được sinh hoạt theo đúng phong tục của gia đình người Thái như: ở nhà sàn, ăn các món ăn truyền thống của người dân địa phương, được trải nghiệm dệt thổ cẩm, xem quy trình làm rượu cần Tiên Đồng.
Cách đây hơn ba năm, gia đình ông Vi Văn Xao đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp lại nhà sàn, đầu tư 10 bộ chăn, ga, gối, đệm và xây mới các nhà vệ sinh. Ông Vi Văn Xao cho biết, khi được chọn làm điểm du lịch cộng đồng, gia đình ông rất phấn khởi và đã đầu tư kinh phí để phát triển loại hình này. Ông mong muốn, địa phương có kế hoạch liên kết với các công ty hoặc tour lữ hành du lịch để có thể thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.
Xã Tiên Kỳ có đỉnh Pù Loi cao 1.100m so với mực nước biển với hệ thống núi đá vôi và các hang động hùng vĩ, nên thơ. Đặc biệt nằm dưới chân núi Pù Loi, Hang Mó còn giữ nguyên hệ sinh thái đã phát hiện dấu tích cư trú của người nguyên thủy.
Thời gian qua, sau khu lập quy hoạch chi tiết điểm du lịch hang Mó gắn với làng nghề dệt thổ cẩm bản Phảy Thái Minh, huyện Tân Kỳ đã có những nỗ lực trong công tác bảo tồn và từng bước phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thái cũng như cảnh quan thiên nhiên tại địa bàn; đồng thời khôi phục lại Lễ hội Bươn Xao, xây dựng thành công nhà hậu cung đền thờ Lê Thái Tổ và các công trình phụ trợ tại khu Di tích lịch sử thành Lê Lợi để trở thành một điểm du lịch tâm linh ý nghĩa.
Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực nhưng việc xây dựng bản Phảy Thái Minh và xã Tiên Kỳ thành một địa chỉ du lịch vẫn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Kỳ cho biết, khó nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế.
Vì thế, kinh phí để mời chuyên gia du lịch về hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan và phát triển các điểm dịch vụ du lịch (như: hang Mó, bản Phẩy Thái Minh, khu vực dịch vụ theo quy hoạch của tỉnh) đều chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, điều kiện để phát triển du lịch ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn và các yếu tố thiết yếu của du lịch chưa được đồng bộ, nhất là về hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch. Hiện phát triển du lịch ở Tiên Kỳ chỉ mới là bước khởi đầu.
[Xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm thổ cẩm ở Nghệ An]
Tuy nhiên, để thành một điểm đến hấp dẫn, địa phương cần có thời gian. Bởi vì, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn còn quá khiêm tốn, chưa có sản phẩm đặc trưng, đội ngũ làm du lịch tại các điểm còn thiếu kiến thức và nghiệp vụ du lịch cộng đồng.
Từ năm 2016, mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển tại bản Na, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Đây được xem là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Nghệ An được duy trì đến nay.
Chị Vi Thị Thành, chủ homestay Nhưỡng Thành cho biết, từ khi được chọn để làm homestay, chị đã cải tạo lại toàn bộ khuôn viên, nơi ở cho du khách và cảnh quan của ngôi nhà. Những năm qua, chị đã đón hàng nghìn lượt khách, tập trung nhiều nhất vào những dịp cao điểm như 30/4, 2/9…
Địa bàn huyện Con Cuông hiện có bốn điểm làm du lịch cộng đồng đang đi vào hoạt động, là: bản Khe Rạn (xã Bồng Khê); bản Nưa, bản Pha (xã Yên Khê) và bản Xiềng (xã Môn Sơn). Nhờ đó, người dân địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Trước đó, từ năm 2016, chuyên gia của dự án JICA (Nhật Bản) – dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào các làng nông, lâm, ngư nghiệp đã hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng và thành lập các tổ dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của dự án JICA đã nghiên cứu thiết kế và giúp người dân làm mẫu giỏ đựng cam cho khách du lịch với chất liệu sẵn có của địa phương (mây, tre, nứa…), thân thiện môi trường và mang nét đặc trưng của dân tộc Thái; hỗ trợ thiết kế logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, đăng kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bốn điểm du lịch cộng đồng của Con Cuông, hai điểm (bản Nưa, xã Yên Khê và bản Khe Rạn, xã Bồng Khê) được Hội đồng và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Từ khi thành lập đến nay, du lịch cộng đồng đã đón 49.178 lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Thái. Tổng thu từ loại hình du lịch này là hơn 7 tỷ đồng.
Cần chính sách hỗ trợ
Thực tế cho thấy, các điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ trong khuôn viên hộ gia đình; chưa có sự liên kết, kết nối thành một quần thể du lịch như ở nhiều mô hình khác. Du khách đến với loại hình này chủ yếu chỉ dừng ở ăn uống, ngủ nghỉ và chưa có nhiều trải nghiệm hấp dẫn để có thể lưu trú lâu dài.
Ông Trần Công Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Con Cuông trăn trở, từ tiềm năng sẵn có, địa phương mong muốn tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách, các chương trình, đề án, dự án về đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng người dân làm du lịch như: mở các lớp chuyên đề tìm hiểu, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; lớp tập huấn nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường du lịch cho cộng đồng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng và hỗ trợ công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm, quan tâm xây dựng các tour, tuyến để đưa khách về khám phá du lịch Con Cuông.
Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, Nghệ An đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nhằm giúp người dân ở các huyện miền núi phát triển sinh kế bền vững và tạo cơ sở để các địa phương bảo vệ, phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa dân tộc, nét đặc sắc vùng miền.
Kinh phí hỗ trợ nhằm giúp các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và tập huấn nghiệp vụ; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị ban đầu (chăn, ga, gối, đệm, máy lọc nước…); hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách.
Qua quá trình triển khai, việc hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, người dân địa phương chưa tiếp cận được chính sách này với nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến loại hình du lịch cộng đồng ở Nghệ An dù có tiềm năng nhưng chưa phát triển như kỳ vọng.
Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, chính sách phát triển du lịch cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Cùng với đó, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông; hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ; khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng./.