Nhà phê bình văn học Ngô Thảo vừa tổ chức buổi giới thiệu 4 cuốn sách về những nhà văn khoác áo lính, gọi chung là “Những trang viết tri ân Văn nghệ Quân đội.”
Đó là các cuốn sách “Nghiêng trong bóng chiều” (2020), “Bốn nhà văn nhà số 4” (2020), “Lặng lẽ những đời văn” (2021) và “Văn hóa trong phát triển-Văn hóa của phát triển” (2022).
[Đưa Ngày Thơ thành Ngày Văn học: ‘Không nên tạo ra sự phân biệt’]
Trong những trang viết của Ngô Thảo, bạn đọc được “ngắm” chân dung các tác giả như: Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Thiều, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Xuân Sách, Dũng Hà, Lê Lựu, Nhị Ca, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Thị Như Trang…
Các nhà văn, nhà thơ được nhắc đến đều là những người có tên tuổi, không chỉ gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà còn ghi dấn ấn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thời gian lùi xa, nhiều người đã vắng bóng trên văn đàn, nhưng qua những trang sách của nhà phê bình Ngô Thảo, họ như còn hiện diện với bạn đọc hôm nay.
Bên cạnh sự nghiệp cầm bút của mình, nhà phê bình văn học Ngô Thảo còn được biết đến như là nguồn tư liệu quý giá, người nắm giữ lịch sử của “nhà số 4” (trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại số 4, Lý Nam Đế, Hà Nội).
Suốt bao nhiêu năm tháng, ông đã tìm kiếm tư liệu, hệ thống lại để giới thiệu về những nhà văn mà ông đã hiểu và gắn bó.
Ông chia sẻ: “Tôi chủ yếu đi tìm tư liệu về cuộc đời của họ. Bởi tôi luôn nghĩ, bên cạnh thơ văn, chính tiểu sử của họ cũng là một tác phẩm mang rất rõ dấu ấn của một giai đoạn lịch sử không dễ có. Nếu hào hùng là âm hưởng chính của các tác phẩm, thì cuộc đời nhiều người trong họ lại có nhiều ‘niềm đau này xin giấu dưới thịt da’ như câu thơ Thu Bồn.”
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận xét: “Nhà phê bình văn học Ngô Thảo và lớp đàn anh thế hệ trước đã xây dựng nên thương hiệu cho Văn nghệ Quân đội và chúng tôi hôm nay phải giữ gìn. Các anh không chỉ là đàn anh, đồng nghiệp, người đi trước mà còn là bậc thầy trong nhân cách và tài năng. Anh Ngô Thảo đã cho chúng tôi bài học về tình nghĩa anh em, đồng nghiệp và những người lính với nhau.”
Theo nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, nhà phê bình Ngô Thảo từng gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong 15 năm. Mặc dù chuyển công tác, nắm giữ những “quyền cao chức trọng” bên ngoài, nhưng với cá nhân tác giả Ngô Thảo, 15 năm ở “nhà số 4” mãi là quãng thời gian đẹp nhất, là “năm tháng chưa xa,” là “dĩ vãng phía trước” trong “đời người-đời văn” của mình.
Trong khi đó, nhà phê bình Ngô Văn Giá khẳng định Ngô Thảo là người duy nhất chỉ có tập trung nghiên cứu phê bình các nhà văn viết về chiến tranh, đặc biệt là các nhà văn ở ngôi nhà số 4, trong đó chuyên tâm vào các nhà văn tên tuổi: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Thu Bồn…
“Ở các công trình này, Ngô Thảo đã xuất phát từ tư liệu, coi trọng tư liệu, từ đó có những phân tích, khái quát, đánh giá quan trọng, sắc sảo. Để có được những tư liệu này, anh không chỉ kế thừa, mà được trao gửi, trực tiếp điền dã, tìm kiếm trong nhiều năm ròng. Điều này chỉ có thể giải thích được bằng tấm lòng liên tài, trách nhiệm thật sự đối với nền văn học nước nhà,” ông Ngô Văn Giá nói.
Cùng chung cảm nhận đó, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ cho rằng Ngô Thảo có một vốn sống thực tế chiến đấu khá phong phú và ông đã biết huy động đúng mức, đúng chỗ vốn liếng đó vào các bài viết của mình.
“Có thể nói, cuộc đời của người lính mà anh đã từng trải qua cùng với sự đồng cảm sâu sắc đối với họ đã tạo nguồn cảm hứng và làm nên sức nặng cho nhiều bài viết của Ngô Thảo,” bà Lưu Khánh Thơ chia sẻ./.