Tối 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các bộ, ngành tổ chức trao giải Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo Việt Nam năm 2022 với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng.”
Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ từ bao đời nay, biển, đảo Việt Nam luôn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của biển, đảo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là quyền, nghĩa vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam. Đây cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong nhiều năm qua.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” và “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực.”
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh ở các vùng như Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các vùng biển đảo Việt Nam.
Đây cũng là sự cụ thể hóa mục tiêu của Đảng, đó là “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.”
Để những chủ trương, quan điểm trên của Đảng thấm sâu, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, thực hiện có hiệu quả trong hệ thống chính trị, nhân dân, đòi hỏi công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo phải tích cực đổi mới về phương thức, phát huy thế mạnh của khoa học công nghệ, nền tảng Internet, mạng xã hội, các phương thức truyền thông hiện đại đa không gian, đa đối tượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo tác động sâu rộng, kịp thời đến cộng đồng dư luận trong và ngoài nước.
Với ý nghĩa đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh thành công, sự lan tỏa của cuộc thi là sự khẳng định, tính hiệu quả của những đổi mới đó. Giá trị lớn nhất mà các thí sinh đoạt giải tại vòng chung kết cũng như tất cả những cá nhân tham gia cuộc thi nhận được chính là những kiến thức bổ ích về biển, đảo của Tổ quốc.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban tổ chức cuộc thi mong muốn các thí sinh sẽ là những đại sứ tuyên truyền, lan rộng hơn nữa tình yêu, sự quan tâm đến những vấn đề về biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ đúng như thông điệp, ý nghĩa mà cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo Việt Nam năm 2022 “Tổ quốc bên bờ sóng” muốn truyền tải.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh phát huy kết quả của cuộc thi “Tổ quốc bên bờ sóng” năm nay, các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về biển, đảo Việt Nam và vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các hoạt động nhằm khơi dậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực góp phần xây dựng Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng.
Với mục đích đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về biển, đảo quê hương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, các bộ, ngành tổ chức Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo Việt Nam năm 2022 với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng.”
[Thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và triển lãm “Tổ quốc bên bờ sóng”]
Cuộc thi mang đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, người nước ngoài đang công tác, sinh sống và học tập ở Việt Nam.
Với hình thức đổi mới, đa dạng nội dung, cuộc thi là hoạt động sinh hoạt chính trị quan trọng, khuyến khích tinh thần tìm hiểu, học tập trong nhân dân cũng như cung cấp thông tin, tư liệu cho công tác nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến biển, đảo, biên giới, lãnh thổ.
Được phát động vào đầu tháng 7/2022, sau gần 5 tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút 15 triệu lượt đăng ký và tham gia dự thi.
Trải qua 4 vòng thi tuần và thi bán kết, sau nhiều nỗ lực, Ban tổ chức đã lựa chọn được 15 thí sinh xuất sắc nhất để bước vào vòng thi chung kết đối kháng trực tiếp, diễn ra ngày 29/11.
15 thí sinh được bốc thăm chia thành 5 đội thi với tên gọi: Hòa bình, Hợp tác, Bền vững, An ninh, Hội nhập.
Tại phần thi đầu tiên với tên gọi “Ra khơi”, Ban tổ chức đã cung cấp bộ câu hỏi trắc nghiệm kiến thức chung về biển, đảo Việt Nam, tập trung vào pháp luật biển và văn hóa biển, đảo.
Ở phần thi thứ hai mang tên “Vượt sóng,” các thi sinh tìm các từ khóa tương ứng với câu hỏi và tìm ra chủ đề cuối cùng là “Phát triển bền vững kinh tế biển.”
Phần thi thứ ba có tên gọi “Cập bến” là phần thi sôi động nhất theo hình thức hùng biện. Đại diện mỗi đội sẽ thuyết trình về một chủ đề bốc thăm ngẫu nhiên có liên quan đến công tác biển, đảo.
Trong đêm gala trao giải thưởng, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích cùng các phần quà mang bản sắc văn hóa biển đảo./.