“Weaving the Ocean” hay “Dệt đại dương” là chủ đề triển lãm đa phương tiện về một dự án cộng đồng diễn ra tại nhà triển lãm Halles St. Gery ở trung tâm thủ đô Brussels từ ngày 1-14/12.
Triển lãm là một trong những sự kiện chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự kiện do Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) và Nhóm các Đại sứ ASEAN tại Brussels tổ chức.
Những tấm thảm sặc sỡ được dệt từ những sợi dây nhựa trôi dạt trên biển khiến người xem liên tưởng đến nghề thủ công truyền thống, đồng thời gợi lên những trạng thái chuyển dịch trên biển. Khung cảnh biển lúc sáng sớm hay khi chiều buông gợi nhớ làn gió thổi nhẹ trên mặt nước, với những gợn sóng nhỏ được tạo thành bằng những sợi chỉ màu nằm ngang.
“Cỏ biển” hay “Bức tường san hô” được lấy cảm hứng từ cảnh đại dương nhìn từ trên không. Đó là sự kết hợp giữa các kỹ thuật dệt được nhấn nhá bằng những sợi chỉ lỏng và chùm chỉ màu, khiến người xem liên tưởng đến sự đung đưa nhẹ nhàng của cỏ biển trong nước hoặc các cụm san hô. Trong một tác phẩm khác, những mớ chỉ được bố trí gợi lên những dạng sinh vật biển như sứa.
Những tác phẩm trưng bày là nguồn cảm hứng của nghệ sỹ người Indonesia, Ari Bayuaji, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ưu tiên hàng đầu của cả hai khu vực EU và ASEAN.
Tác phẩm dệt “Weaving the Ocean” được tạo ra từ các sợi nhựa sử dụng dây thừng tìm thấy trên bờ biển và rừng ngập mặn trên biển Bali. Cảm hứng đến với Ari trong thời gian xảy ra đại dịch, khi đi dạo trên bãi biển, anh phát hiện ra rất nhiều rễ cây ngập mặn vướng vào những sợi dây nhựa, anh quyết định sử dụng nhựa làm nguyên liệu để dệt vải.
Dự án của nghệ sỹ thu hút người dân địa phương tham gia khi tình hình kinh tế ở Bali khó khăn do thiếu vắng khách du lịch, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
[Quan chức EU, ASEAN thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của khu vực]
Theo lời của nghệ sỹ Ari, “Câu trả lời được tìm thấy trong tự nhiên. Trong tự nhiên, chúng ta có thể tìm thấy hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đan xen giữa văn hóa và thiên nhiên của chúng ta một cách hài hòa là một trong những điều đáng hy vọng nhất mà con người có thể làm được.”
Anh tin rằng dự án này và ý tưởng của anh về việc thay thế các vật liệu đang bị đe dọa bằng các vật liệu “tự nhiên” mới dễ dàng tìm thấy có thể được nhân rộng ở nhiều quốc gia.
Tác phẩm “Dệt đại dương” mời giới trẻ từ cả hai khu vực bày tỏ quan điểm và kỳ vọng về tương lai của mối quan hệ EU-ASEAN và những gì họ tin rằng ưu tiên hành động của các nhà lãnh đạo nên là gì. Mong muốn, suy nghĩ và mối quan tâm của họ sẽ được tập hợp trực tuyến và công bố vào ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 45 năm quan hệ EU-ASEAN, vào ngày 14/12 tới tại Brussels.
Ngoài ra, triển lãm kể câu chuyện về mối quan hệ đối tác giữa EU và ASEAN thông qua những bức ảnh lịch sử về các cuộc gặp cấp cao, thể hiện chiều sâu và bề rộng của mối quan hệ hợp tác này, được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2020 để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu: đại dịch, quan hệ kinh tế, an ninh, giáo dục, quá trình chuyển đổi xanh hoặc những lĩnh vực khác.
Triển lãm cũng trưng bày các video chứng thực của các đại sứ, chính trị gia, nhà lãnh đạo trẻ và nhà báo từ EU và ASEAN, những người đã đóng góp cho mối quan hệ đối tác giữa các khu vực này trong suốt 45 năm qua./.