01. Ngại nói lời tình cảm
Một chuyên gia tâm lý đã nhận xét rằng: “Trong cách ứng xử thông thường của các gia đình Việt Nam hiện nay có một nghịch lý mà ít người nhận ra, đó là những khó khăn trong việc nói ra lời yêu thương chân thật”.
Điều này hiển hiện rõ ràng trong thực tế. Đối với người khác ngoài xã hội, nhiều khi chúng ta không cần phải suy nghĩ, đắn đo để có thể dễ dàng nói ra những lời ngợi khen hay tán dương, cũng thẳng thắn bày tỏ tình cảm cá nhân một cách rõ ràng. Tuy nhiên, với những người thân yêu trong gia đình như là cha, mẹ, anh, chị, đặc biệt là giữa vợ và chồng… thì lại luôn cảm thấy ngại ngùng, do dự, thậm chí là không thốt được nên lời.
Đặc biệt là khi đến tuổi trung niên, đàn ông lại càng ngại nói ra những tâm tư tình cảm trong lòng.
Thế nhưng, các chuyên gia tâm lý cho rằng, cuộc sống là cuộc hành trình dài và những người yêu thương nhau cần luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho nhau, chăm sóc quan tâm đến nhau trong chuyến hành trình ấy. Trong từng khoảnh khắc cuộc đời, những cử chỉ, lời nói yêu thương đơn giản nhất cũng sẽ giúp gắn kết mối quan hệ của đôi bên thêm bền chặt.
Đó cũng là cách để mọi người có thể hiểu biết, thông cảm, thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn. Điều này cũng được người xưa đúc rút bằng những kinh nghiệm quý báu qua những câu nói: “Lời nói gói vàng”, hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…
02. Ngại nói về bệnh tật, đau ốm
Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm và nghĩa vụ. Nếu hỏi con người ở tuổi này sợ nhất điều gì, câu trả lời có lẽ chỉ gói gọn trong ba điều: Con cái ốm đau – Cha mẹ già đổ bệnh – Sức khỏe bản thân không tốt.
Khi còn trẻ, “tuổi trẻ là vốn liếng quý giá của một đời” cũng chỉ là một câu nói, nghe vào tai nọ rồi ra tai kia. Nhưng khi trở nên già dặn và từng trải hơn, mọi người mới dần phát hiện ra giá trị của nó. Đến một lúc nào đó, người trung niên có thể sẽ phải đối mặt với cả 3 nỗi sợ đó này cùng một lúc.
Con cái chính là điểm yếu của cha mẹ. Bạn vốn luôn nghĩ mình có thể kiên cường vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Nhưng đến khi có con rồi, mỗi khi con gặp chuyện bạn lại thấy bản thân chưa đủ tốt, phải cố gắng thêm.
Cha mẹ cũng là nỗi trắc trở trong lòng những người con. Một người khi đến tuổi trung niên, cha mẹ của họ đều đã bạc trắng mái đầu. Khi người cao tuổi khỏe mạnh, mọi thành viên dù làm gì, dù đi đâu cũng luôn thấy có điểm tựa vững vàng. Nhưng một khi người cao tuổi dần suy yếu, cùng với đó là biết bao bệnh tật trong người, người làm con mới thấy thời gian trôi đi thật quá nhanh.
Điều đáng sợ nhất là khi chúng ta đã có được tiền bạc, địa vị, danh vọng trong xã hội nhưng cha mẹ lại chẳng còn có thể ở bên để chia sẻ niềm vui đó. Khi một người dần tới tuổi trung niên, sức khỏe của cha mẹ chính là điều họ đau đáu nhất trong lòng.
Đồng thời, sức khỏe của bản thân người đó cũng dần trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Ngày trẻ, ai cũng có thể thức đêm giải trí, hoặc điên cuồng làm việc vì muốn có được một tương lai tốt đẹp. Nhưng đến khi tuổi trung niên bắt đầu tới gần, bạn mới nhận ra sức khỏe đang trôi tuột thật nhanh. Khi đó, mọi sự đánh đổi đều là vô nghĩa.
Lúc còn trẻ, ai cũng muốn tranh thủ kiếm tiền để về già hưởng thụ, được đi du lịch khắp nơi, được tận hưởng nhu cầu giải trí. Đến khi về già, nhìn lại, chúng ta mới dần ngộ ra hạnh phúc đơn giản chỉ là cả gia đình đều mạnh khỏe và bình an. Tiền kiếm cả đời cũng không bao giờ là đủ. Thay vì khổ tâm kiếm tiền, hãy học cách trân trọng sức khỏe và yêu thương cha mẹ, con cái, người thân xung quanh nhiều hơn.
03. Ngại nói về chuyện tài chính
Nếu tìm kiếm trên Google, số kết quả cho cụm từ “khủng hoảng tuổi trung niên” không chỉ phản ánh lo lắng về sức khỏe, mà đó còn là áp lực cuộc sống khi nhiều người mất tự tin về khả năng kinh tế, thất vọng với những điều lỡ dở từ thanh xuân, trong khi tuổi nghỉ hưu đã cận kề. Điều đó càng trở nên sâu sắc hơn trên vai của những người đàn ông từng gồng gánh trách nhiệm kinh tế cho cả gia đình.
Theo báo cáo tổng quan về dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam do tổ chức VCCI phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết, người cao tuổi Việt Nam có khá nhiều bận tâm, trong đó nổi cộm là các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, tiền hưu trí.
Thiếu thốn, lo lắng tiền bạc ở tuổi trung niên không chỉ là vấn đề tinh thần, mà có thể gây ra những cơn đau nhức khi về già. Những cơn đau này cần phải chữa trị. Rồi hóa đơn y tế phát sinh lại tạo thêm áp lực tài chính cho người trung niên, khiến họ càng lo lắng hơn nữa.
Theo các chuyên gia, để giải quyết được căng thẳng này, người ở tuổi trung niên cần tìm cách cân bằng thân – tâm – trí thông qua chọn lọc ưu tiên và buông bỏ bớt những điều chưa làm được, tập trung vào những giá trị cốt lõi của bản thân, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa cho cuộc sống.