Ngày 5/12, Chi cục Văn thư Lưu trữ thành phố Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III khai mạc trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội-Ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.”
Ban tổ chức lựa chọn trưng bày 84 tài liệu lưu trữ, tư liệu hình ảnh, hiện vật đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bảo tàng Hà Nội và Thông tấn xã Việt Nam.
[Điện Biên Phủ trên không: Sự chuẩn bị chủ động, tài tình và quyết liệt]
Triển lãm được chia làm 3 phần. Phần 1 “Hà Nội sẵn sàng chiến đấu” giới thiệu những tài liệu, tư liệu hình ảnh, hiện vật về Hà Nội sơ tán nhân dân, nhà máy xí nghiệp, đào hầm trú ẩn để chuẩn bị chiến đấu chống kẻ thù xâm lược bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Phần 2 “Hà Nội-12 ngày đêm lịch sử” giới thiệu những tài liệu, tư liệu hình ảnh, hiện vật trong 12 ngày đêm quân và dân Hà Nội vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu anh dũng bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Phần 3 “Hà Nội-Vang bài ca chiến thắng” trưng bày những tài liệu, tư liệu hình ảnh về Hà Nội phát triển kinh tế xã hội sau khi đất nước thống nhất.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội điểm lại giai đoạn lịch sử cách đây tròn 50 năm và khẳng định tầm vóc và ý nghĩa của trận chiến “12 ngày đêm rực lửa” vẫn còn vẹn nguyên.
“Chúng tôi hy vọng triển lãm lần này sẽ tiếp tục khơi dậy trong lòng mỗi người dân Thủ đô niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và qua đó nhận thấy được trách nhiệm của bản thân đối với việc gìn giữ truyền thống của ông cha và tích cực bảo vệ và xây dựng, kiến thiết Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp,” bà Nguyễn Thị Liễu phát biểu.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân cũng có mặt tại triển lãm. Ông chia sẻ với bối cảnh lịch sử và trận “Điện Biên Phủ trên không” mà ông trực tiếp tham gia và bắn rơi máy bay B52.
Ông bày tỏ sự phấn khởi khi triển lãm thu hút rất đông công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan.
“Ngày nay, tôi bay trên bầu trời Hà Nội với một cảm giác rất khác so với 50 năm trước. Lúc đó, chúng tôi chỉ nhìn vào ngọn đèn ở cầu Long Biên để xác định phương hướng. Giờ đây, ngồi trên máy bay nhìn xuống Hà Nội lung linh, rực rỡ, tôi thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng,” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 1/2023, tại Chi cục Văn thư Lưu trữ thành phố Hà Nội, số 20 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội./.
Cuối tháng 12/1972, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng không-Không quân đã làm nên một chiến tích kỳ diệu: Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, chủ yếu bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không.” Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi “đánh cho Mỹ cút,” quân và dân ta tiến đến “đánh cho Nguỵ nhào,” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 1.400 lượt máy bay, ném hơn 10.000 tấn bom. Quân dân ta đã bắn rơi 23 chiếc B52 và 2 chiếc F111, bắt sống 43 giặc lái. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại. Chính vì sự tổn thất quá lớn của đế quốc Mỹ và chiến thắng vang dội của Việt Nam mà thắng lợi này của Việt Nam được thế giới ca ngợi là trận “Điện Biên Phủ trên không.” |