Nghệ thuật múa trống độc đáo của Hàn Quốc (Samulnori) sẽ là màn biểu diễn ấn tượng, khai mạc sự kiện “Con đường văn hoá hữu nghị Việt-Hàn” nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.
Cụ thể, sự kiện diễn ra tại phố Trần Văn Lai, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà, Hà Nội trong hai ngày 10-11/12. Đây là khu vực tập trung rất đông người Hàn Quốc sinh sống và làm việc.
Theo Ban tổ chức, Samulnori hay còn được gọi là trò chơi tứ vật đã trở thành nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc suốt hàng trăm năm nay. Chỉ đơn giản gồm 4 loại nhạc cụ thô sơ, Samulnori đã tạo nên nhiều nhịp điệu mang âm hưởng dân gian, miêu tả trọn vẹn đời sống nông nghiệp thời Joseon (1392-1910) của người dân Hàn Quốc.
Samulnori là hình thức biểu diễn nhảy múa kết hợp ca hát và nhịp điệu của bốn nhạc cụ do bốn nhạc công thể hiện trên sân khấu. Buk và Janggu (bằng da) đại diện cho âm thanh của Trái Đất, trong khi Jing và Kkwaenggwari (bằng kim loại) đại diện cho âm thanh của thiên đàng và những người chơi. Vì lý do này, Samulnori bắt buộc phải có tiếng hát của nghệ sỹ mới phù hợp với truyền thống.
Tại cuộc họp báo ngày 7/12, bà Chang Eun Sook, Chủ tịch Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội, đơn vị thực hiện chương trình cho hay Samulnori có nhịp điệu mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Chính những đặc điểm này đã khiến Samulnori trở nên thật đặc biệt trong mắt mọi người.
Phần nghệ thuật truyền thống Samulnori do hai nhóm Chuncheon nongak và Hanaesori biểu diễn sẽ khai mạc lễ hội lúc 18h ngày 10/12, tiếp đó là màn trình diễn của các ca sỹ được yêu thích tại Việt Nam như Trịnh Thăng Bình, Suni Hạ Linh…
Tối 11/12, chương trình nghệ thuật sẽ có sự góp mặt của Byun Jin Sub – nam ca sỹ đã từng “thống trị” nền âm nhạc những năm 1980 của Hàn Quốc.
Năm 1988, anh phát hành album đầu tiên của mình “Being Alone.” Các ca khúc “Being Alone,” “It’s too late,” “Like Birds,” “All I can give you is love” đứng vị trí cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc, giúp album của anh trở nên nổi tiếng. Với 1,8 triệu bản được bán ra, “Being Alone” đã trở thành album “triệu bản” đầu tiên tại Hàn Quốc.
[Đèn lồng truyền thống Việt Nam-Hàn Quốc thắp sáng phố đi bộ Hoàn Kiếm]
Suốt 2 ngày diễn ra sự kiện, khách tham qua sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động đậm nét Hàn Quốc tại hơn 100 gian hàng đa dạng chủ đề như ẩm thực, làm đẹp, trang phục truyền thống, sản phẩm của doanh nghiệp Việt-Hàn…
Nhiều trò chơi đậm tính tương tác cũng sẽ diễn ra như đố vui tiếng Hàn, hát karaoke tiếng Hàn, Squid Game, nếm thử rượu và các trò chơi truyền thống khác của hai quốc gia.
Sự kiện được tổ chức trong không gian lung linh của đèn lồng Hội An và Cheongsa Chorong. Dịp Trung Thu năm nay, Lễ hội văn hóa đèn lồng Việt Nam-Hàn Quốc khai mạc tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là sự kiện chính thức đầu tiên mở màn cho chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Phát biểu tại họp báo, bà Chang Eun Sook, Chủ tịch Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội, cho hay sự kiện này mang ý nghĩa khôi phục lại sự sôi động cho các khu thương mại Hàn Quốc vốn bị ngưng trệ do đại dịch COVID-19 đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị, hòa hợp giữa nhân dân hai nước nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.
“Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức ở một địa điểm mới, được xem như khu phố Hàn Quốc tại Hà Nội. Chúng tôi chuẩn bị rất nhiều chương trình và tiết mục biểu diễn văn hoá nghệ thuật đa dạng hấp dẫn. Mong rằng sự kiện sẽ nhận được sự quan tâm và tham gia của người dân để ‘Con đường văn hoá hữu nghị Việt-Hàn’ có thể trở thành một sự kiện văn hoá nổi tiếng mang ý nghĩa biểu tượng cho sự hoà hợp giữa hai quốc gia,” bà Chang Eun Sook chia sẻ./.