Sáng 17/12, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã được khai mạc trọng thể.
Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Đồng chủ trì điều hành hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Tham dự hội thảo có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng khoảng 800 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện 1 số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các đại biểu quốc tế…
Đại biểu quốc tế có ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng dự.
[Trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh nhân Hội thảo Văn hóa năm 2022]
Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp; đồng thời, Ban Tổ chức phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội, trên nền tảng truyền hình Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn kiện quan trọng kể từ khi Đảng được thành lập tới nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân nên chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả;” đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới” và nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người;” “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.”
Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc.
Hội thảo văn hóa 2022 diễn ra trong 1 ngày, sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Hội thảo gồm các phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng và phiên toàn thể trong buổi chiều 17/12 với 3 nhóm nội dung chính theo chủ đề của hội thảo.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung trọng tâm trình bày tại hội thảo; các nội dung còn lại sẽ được phát biểu lồng ghép trong quá trình trao đổi, thảo luận.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội thảo.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa.
Phát triển văn hóa bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội thảo là sự kiện chính trị-văn hóa-khoa học rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hóa, thực tiễn hóa và thể chế hóa việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
“Trên con đường đi từ truyền thống đến hiện đại, để thành công, các quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa đều nỗ lực xây dựng các thể chế, thiết chế, chính sách văn hóa; vừa khơi dậy, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa loại bỏ được những yếu tố đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển; hóa giải những mâu thuẫn, nghịch lý, hạn chế các cú sốc văn hóa, tạo ra những bước chuyển nhịp nhàng giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển nền văn hóa đất nước,” Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua.
Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hóa trong phát triển, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước trên các mặt gồm: Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; Kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; Kết nối giữa truyền thống và hiện đại; Phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học…
Nhấn mạnh phát triển văn hóa luôn bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hóa, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, cung cấp các dịch vụ công và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề về bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa.
“Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng vai trò, hiệu quả, nội dung của các luật, các chính sách hiện hành để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với đời sống thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở lĩnh vực văn hóa phát triển,” Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Từ thực tiễn phát triển của nền văn hóa Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về: Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.
VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị./.