Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của những người hoạt động nghệ thuật. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những tiếng thở dài của văn nghệ sỹ khi nói về chế độ đãi ngộ, vẫn còn những người vội vã rời khỏi sân khấu để đi làm nghề tay trái…
Thấu hiểu những điều đó, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, những người hoạt động chuyên môn đã bàn bạc, tìm cách giải quyết thực trạng này tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra ngày 17/12 tại Bắc Ninh.
Đãi ngộ nghệ sỹ chưa xứng tầm
Nói về chế độ đãi ngộ cho nghệ sỹ hiện nay, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội Bùi Thế Anh đầy trăn trở bởi thù lao chưa tương xứng với công sức của người nghệ sỹ.
Theo ông, xiếc là ngành nghệ thuật rất đặc thù, người diễn viên xiếc cần rất nhiều năm khổ luyện mới thành tài nhưng “tuổi nghề” lại rất ngắn. Trong quá trình làm nghề, họ phải thường xuyên tập luyện và đối mặt với nguy cơ chấn thương, tai nạn. Chế độ dinh dưỡng của diễn viên xiếc cũng cần phải tương đương với vận động viên thể dục, thể thao thì mới đảm bảo sức khỏe để tập luyện và biểu diễn.
“Lương của diễn viên xiếc hạng IV (trình độ trung cấp) khoảng 4 triệu đồng/tháng. Với những bạn trẻ mới vào thử việc thu nhập chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nghệ sỹ được nhận 200.000 đồng mỗi buổi diễn. Mức thu nhập đó chưa tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp. Các diễn viên phải đi làm thêm thì mới có thể trang trải cuộc sống,” ông Bùi Thế Anh cho hay.
Các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội hiện nay còn gặp khó khăn nhiều hơn so với các đơn vị khác vì nhà hát không có rạp. Họ chỉ có một phòng tập đã xuống cấp nhiều năm. Mỗi khi tổng duyệt chương trình hay biểu diễn, họ phải thuê địa điểm ở nơi khác, tốn kém và bất tiện.
“Nếu có rạp, lãnh đạo nhà hát có thể duy trì sân khấu ‘sáng đèn’, đảm bảo đời sống cho anh chị em nghệ sỹ và cũng có điều kiện bố trí công việc phù hợp cho những người đã hết tuổi biểu diễn chẳng hạn như công tác hậu cần, kỹ thuật, bán vé, marketing…,” ông Bùi Thế Anh bày tỏ.
Ở góc độ văn chương, nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng chỉ ra rằng ở nước ta rất ít nhà văn chuyên nghiệp, theo nghĩa nhà văn ấy chỉ làm việc và sống bằng ngòi bút. Hầu hết họ đều phải làm một công việc nào đó ngoài văn chương để mưu sinh.
Một số cây bút trẻ nổi lên thành tiềm năng, hy vọng; rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Theo nhà thơ Hữu Việt, dường như văn chương với người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, sau đó, họ sẽ chuyển sang làm công việc khác.
[Hà Nội xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân, khích lệ di sản “sống”]
Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng cần có các chính sách đặc thù nhằm khắc phục bất cập về đãi ngộ cho văn nghệ sỹ.
“Chúng ta cần tìm giải pháp để khi nghệ sỹ không còn tham gia trình diễn nữa sẽ được bố trí phân công như thế nào cho phù hợp, chứ không phải vắt kiệt sức họ khi đang lao động, đến khi không đủ sức khỏe thì cho nghỉ,” Thứ trưởng nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, việc bố trí cán bộ văn hóa ở nhiều địa phương còn bất cập, có nơi chưa đúng năng lực, sở trường. Vì vậy, bà kỳ vọng hội thảo sẽ tìm ra giải pháp xác định rõ văn hóa là nội lực quan trọng cần đầu tư, để dẫn dắt, kết nối, phát triển du lịch.
Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ trong chính sách
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, nhiều “điểm nghẽn” thể chế cần được tháo gỡ để văn hóa phát triển. Một trong những vấn đề cần giải quyết là đầu tư xứng tầm cho nhân lực ngành văn hóa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh lấy ví dụ mô hình đầu tư cho văn hóa ở Hàn Quốc. Đó là những người trẻ có năng khiếu được tạo điều kiện đào tạo ở nước ngoài, nhằm xây dựng một lớp nghệ sỹ tài năng.
“Nếu có sự đầu tư tốt cộng với môi trường tốt thì sẽ tạo ra các sản phẩm tốt, từ đó góp phần phát triển văn hóa đất nước nói chung. Như vậy, vấn đề vẫn nằm ở cơ chế, chính sách, tạo nền tảng, không gian để cho nghệ sỹ và những người làm văn hóa phát huy năng lực,” ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.
Tâm đắc với quan điểm trên, nhà thơ Hữu Việt cho rằng bồi dưỡng, vun đắp, xây dựng nguồn lực con người là quan trọng nhất, bởi đó chính là nguồn lực cơ bản, duy nhất để sáng tạo thành tác phẩm.
Nhà thơ Hữu Việt cho rằng cần có chính sách, nguồn lực tài chính, một chiến lược bài bản, kiên trì để cung cấp kiến thức văn chương và tri thức tổng hợp cho các nhà văn trẻ.
“Phải sống rồi mới viết, có thực mới vực được đạo, nhất là trong thời đại hiện nay. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có những thiết chế phù hợp để khuyến khích các cây bút trẻ, tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với hoạt động văn chương, để người viết trẻ thấy mình cần phải xứng đáng với sự quan tâm đó khi ngồi trước trang giấy trắng,” nhà thơ Hữu Việt bày tỏ.
Theo nhà thơ Hữu Việt, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động văn học cũng khá nhiều như Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Nghị định về Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật… tuy nhiên, ở từng lĩnh vực cụ thể vẫn còn tồn tại những bất cập mà dư luận từng đề cập đến như tiêu chí xét chọn giải thưởng, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho tác giả, tác phẩm…
Do đó, nhà thơ Hữu Việt cho rằng việc thể chế hóa sẽ làm tường minh các hoạt động văn học, và một phần nào đó sức sáng tạo cho nhà văn sẽ được khai phóng./.