Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo đánh giá về công tác chủ quản xuất bản trong năm vừa qua, trong đó có những vấn đề về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo lãnh đạo các nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, Hội nghị cần chỉ ra được những mặt còn khó khăn, tồn tại, hạn chế của lĩnh vực xuất bản, từng nhà xuất bản, đơn vị chủ quản, để rút kinh nghiệm, lưu ý trong thời gian tới và xác định phương hướng công tác trong năm 2023, nhằm mục tiêu xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam tinh gọn, hiệu quả, hiện đại như yêu cầu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra.
Báo cáo về công tác chủ quản xuất bản năm 2022, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Xuất bản của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, Đảng xác định những nhiệm vụ cho ngành xuất bản là rà soát quy hoạch ngành Xuất bản, in, phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa.
Năm nay cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam (ngày 10/10/1952-10/10/2022).
[10 năm thi hành Luật Xuất bản: Còn nhiều khoảng trống về pháp lý]
Phát huy truyền thống vẻ vang, toàn ngành Xuất bản đã vượt lên những khó khăn và thách thức, thực hiện nhiều đổi mới sáng tạo, đạt được nhiều kết quả, dấu ấn nổi bật, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần, trí thức của công chúng và xã hội ngày một tốt hơn.
Đóng góp vào kết quả này, theo báo cáo, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cơ quan chỉ đạo, quản lý, thì sự phối hợp, sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới sáng tạo không ngừng của mỗi cơ quan chủ quản, nhà xuất bản, mỗi cán bộ, biên tập viên có vai trò rất quan trọng.
Về những kết quả cụ thể của ngành Xuất bản trong năm 2022, theo ông Tống Văn Thanh, được thể hiện nổi bật trên 4 phương diện: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chủ quản xuất bản có nhiều đổi mới, tập trung vào những nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập; sắp xếp đơn vị xuất bản tinh gọn, chất lượng xây dựng chiến lược phát triển nhà xuất bản hiện đại, tăng cường đầu tư trong công tác truyền thông, chuyển đổi số; lãnh đạo, chỉ đạo các nhà xuất bản trực thuộc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tế của đơn vị; công tác thi đua, khen thưởng được lãnh đạo các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng người, đúng việc, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên, cổ vũ, vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ, viên chức, người làm công tác xuất bản vượt qua khó khăn, thử thách thêm quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Xuất bản nói chung, công tác chủ quản xuất bản nói riêng.
Vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản còn hạn chế, đặc biệt đối với một số cơ quan chủ quản và tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Nhiều cơ quan chủ quản xuất bản chưa ý thức hết trách nhiệm, vai trò chủ quản, chưa quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng đề tài, chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý để những tồn tại, hạn chế của nhà xuất bản kéo dài.
Năm 2022, mặc dù số lượng vi phạm về nội dung xuất bản phẩm không nhiều song vẫn còn để xảy ra các sai sót trong khâu biên tập, xuất bản, lựa chọn đề tài…
Chia sẻ quan điểm đánh giá công tác chủ quản xuất bản năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên cho biết thêm, tính đến hết ngày 30/11/2022, các Nhà xuất bản thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu là 34.496 xuất bản phẩm với 487.385.939 bản (chưa bao gồm sách nói và sách điện tử khác), giảm 13,1% về số cuốn, tăng 5,4% về số bản; doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021.
“Chúng tôi dự kiến năm nay xuất bản khoảng chừng 430-440 triệu bản sách; tuy nhiên, đến tháng 11 này con số đã vượt lên đến 487 triệu bản. Đây là năm tăng trưởng rất tốt và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay,” ông Nguyễn Nguyên cho hay.
Về một số tồn tại, hạn chế trong công tác chủ quản xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành lưu ý đến số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số nhà xuất bản. Không ít cơ quan chủ quản thiếu quan tâm đối với nhà xuất bản trực thuộc dẫn đến tình trạng quy mô, năng lực hoạt động của một số nhà xuất bản còn hạn chế.
Để thực hiện tốt công tác chủ quản xuất bản trong năm 2023, tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và tất cả các nhà xuất bản cần phát huy tinh thần chủ động mạnh mẽ hơn nữa, tạo sự đột phá quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành và tiến trình hoạt động xuất bản.
Qua đó nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức để xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của toàn ngành./.