Ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị đánh giá đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết qua hai năm trải qua đại dịch và khôi phục kinh tế, cuộc sống của con người đã lệ thuộc khá nhiều vào không gian mạng với các hành động: đọc, xem, nghe, cũng như tiêu dùng các sản phẩm phần lớn liên quan đến nội dung số nên lĩnh vực thông tin điện tử bao trùm thông tin rộng lớn.
Theo Thứ trưởng, thông tin điện tử là lĩnh vực cái tốt và cái chưa tốt đan xen lẫn nhau. Người dùng, người xem khó có thể sàng lọc, nhận biết được đâu là báo, đâu là thông tin điện tử, đâu là nguồn tin chính thống, đâu là nguồn tin cần chọn lọc.
Bên cạnh đó, có sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng xã hội xuyên biên giới nhưng vẫn chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Nguyên nhân là do những năm qua, thể chế chưa hoàn thiện trong việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ nội dung trong nước trên cùng một “mặt bằng.”
[Tiêu chí nhận diện báo hóa tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp]
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin điện tử; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp giải quyết căn cơ, làm “lành mạnh” môi trường trên không gian mạng.
Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thích ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xóa bỏ, ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xóa, chặn thông tin xấu độc theo yêu cầu của Nhà nước Việt Nam lên 92%.
Bộ đẩy mạnh đấu tranh có hiệu quả với các nền tảng cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam; siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; tăng cường hoạt động chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang tin và mạng xã hội; lập danh sách, tăng cường rà soát, theo dõi thường xuyên các trang tin tổng hợp và mạng xã hội có biểu hiện “báo hóa,” xử lý vi phạm, xem xét đình bản hoặc thu hồi giấy phép nếu tiếp tục vi phạm.
Các cơ quan chức năng đã kiểm tra 4 doanh nghiệp; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 1 giấy phép trang tin; xử phạt 12 doanh nghiệp với số tiền là 185 triệu đồng; tạm dừng 5 tên miền vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển ngành game trong nước: rút ngắn thời gian thẩm định và trình cấp phép đối với các hồ sơ game do doanh nghiệp game trong nước sản xuất; ra mắt Ban điều phối Liên minh game các nhà sản xuất và phát hành game nhằm kết nối, hỗ trợ ngành game trong nước phát triển; rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ 91 tên miền cung cấp game không phép; yêu cầu Apple, Google ngăn chặn, gỡ bỏ 127 ứng dụng game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp game trong nước giải quyết, tháo gỡ các vấn đề về tài khoản phát hành game trên các kho ứng dụng nước ngoài.
Tuy nhiên, việc quản lý thông tin điện tử còn những mặt hạn chế. Tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vẫn còn tồn tại nhiều. Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới trên mạng, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn mất thời gian.
Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ. Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Công cụ kỹ thuật để rà soát, phát hiện vi phạm còn thiếu. Các trò chơi không phép, đánh bạc, đổi thưởng vẫn tiếp tục gia tăng trên các kho ứng dụng.
Tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất game. Hầu hết các công ty game ở Việt Nam đều đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất…
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, trong đó bổ sung một loạt các quy định mới để chống tình trạng “báo hóa” như không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có tên miền gây hiểu lầm là báo chí; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội; bổ sung trách nhiệm cho chủ mạng xã hội không cho thành viên lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí; đẩy mạnh công tác đấu tranh với các nền tảng cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam; siết chặt quản lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước có hợp tác với doanh nghiệp xuyên biên giới về quảng cáo…
Bộ thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trong nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường; ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027; công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White List) và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam; xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội./.