Không muốn sống chung với con dâu
Lấy chồng người Nhật Bản, chị Hoàng Thị Chúc Lan (32 tuổi, tỉnh Gifu, Nhật Bản) hiểu rằng bản thân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề bất đồng về văn hóa, tập quán luôn gây khó cho cô dâu Việt khi lấy chồng ngoại.
Thế nhưng, ngay lần ra mắt đầu tiên, chị Chúc Lan đã cảm nhận được mẹ chồng của mình thật đặc biệt. Bà nắm tay chị rồi bật khóc. Bà từng sợ con trai sẽ chọn sống độc thân khi không gặp được người ưng ý. May thay, chị Chúc Lan xuất hiện và con trai của bà đã biết yêu.
Nàng dâu Việt và mẹ chồng Nhật rất thân thiết. Ngoài ra, họ cùng nhau làm nhiều việc nhưng tuyệt đối không sống chung.
Ngay lúc con trai quyết định kết hôn , bà khuyên anh nên tìm mua nhà. Thời điểm đó, hàng xóm của bà cũng rao bán nhà để lên thành phố sống cùng con. Thế là, chồng chị Lan mua ngay căn nhà, bởi anh cũng thích nó từ lâu.
Mặc dù, hai nhà giáp ranh nhưng mẹ chồng của chị Lan không bao giờ sỗ sàng bước vào nhà của con trai. Mỗi lần muốn sang, bà đều nhẹ nhàng gõ cửa. Đến khi chị Lan bước ra mời, bà mới xin phép được vào trong nhà.
Thậm chí, bà muốn nhờ con trai việc gì cũng hỏi qua ý kiến của con dâu. Sự tử tế và lịch sự của mẹ chồng nhiều lúc khiến chị Lan ngỡ ngàng xen lẫn thán phục.
Không chỉ vậy, mẹ chồng nhớ rất rõ ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… của con dâu. Vào những dịp như vậy, bà thường cho chị Lan tiền.
“Mẹ chồng tôi nói tuổi trẻ có sở thích riêng. Thế nên, bà cho tiền để tôi muốn tiêu thế nào thì tiêu. Mỗi lần tôi từ chối nhận tiền, bà liền nói: “Mẹ nhiều tiền lắm”. Không thuyết phục được mẹ, tôi đành nhận tiền mừng hết lần này đến lần khác”, chị Chúc Lan chia sẻ.
Khoe con dâu khắp làng
Để đáp lại tình cảm của mẹ chồng, chị Chúc Lan dành nhiều thời gian quan tâm, nấu ăn cho bà. Chị thường nấu cơm tối cho mẹ chồng. Bữa ăn nào cũng ngon miệng, đẹp mắt và đầy đủ dinh dưỡng.
Dù mới làm dâu ở Nhật được 4 năm nhưng chị Lan nấu ăn rất hợp khẩu vị của mẹ chồng. Cơm do chị nấu ngon đến nỗi mẹ chồng đi khoe khắp xóm làng, bạn bè, người thân.
Bà thường nói: “Con dâu Việt Nam của tôi tuyệt vời lắm!”. Bà ăn cơm do chị Lan nấu thì không muốn ăn ngoài tiệm nữa. Bà cảm ơn con dâu đã đến làm con gái lớn của mình.
Chị Chúc Lan thường xuyên thay đổi món ăn theo mùa để kích thích vị giác của người già. Mùa hè, chị làm các món ăn thanh nhiệt, mát ngọt. Mùa đông, chị chọn nấu lẩu, món nướng… giúp làm nóng cơ thể.
Lúc nào mẹ chồng bảo mệt, chị Lan sẽ nấu cháo, thỉnh thoảng mát-xa cho bà. Thấy mẹ chồng làm vườn, chị cũng ra giúp đỡ, trò chuyện cho bà vui.
Trước đây, chị Lan có một tiệm thêu nhỏ tại nhà. Cửa tiệm nhỏ nhưng rất nhiều khách. Tuy nhiên, chị cảm thấy công việc bận bịu, không có nhiều thời gian chăm sóc chồng và mẹ chồng. Thế nên, chị quyết định tạm thời đóng cửa tiệm thêu, dành toàn bộ thời gian cho gia đình .
Nàng dâu Việt tâm sự : “Tôi thấy người phụ nữ đứng trong bếp cũng như người nghệ sĩ trên sân khấu. Tất cả sự tập trung, sáng tạo, tình cảm và cảm xúc đều có đủ. Nấu ăn giúp người nấu giảm căng thẳng, người ăn được thưởng thức món ngon.
Một người phụ nữ biết nấu ăn thường toả ra một sự ấm áp kỳ lạ. Tôi đã cảm nhận được sự ấm áp này từ một người bạn rất giỏi nấu ăn. Nấu một bữa ăn ngon cũng giúp người nấu truyền tải tình cảm đến người ăn. Một món ăn chỉn chu đẹp mắt còn giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần.
Tôi dành nhiều thời gian, tỉ mỉ, chu đáo chuẩn bị cơm cho mẹ chồng không chỉ để đáp lại tình cảm mà còn cho mọi người hiểu phụ nữ Việt Nam rất hiếu thảo, khéo tay”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp