Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai đang trong độ tuổi mầm non ngồi học nhận biết đồ vật với một nữ giáo viên. Trong quá trình dạy, nữ giáo viên liên tục dùng kẹp quần áo kẹp tai cháu bé khi không làm theo hướng dẫn.
Chưa dừng lại ở đó, nữ giáo viên này còn dùng đầu húc mạnh vào cháu bé và liên tục dùng kẹp quần áo doạ kẹp vào mặt, vào tai bé. Sau đó, nữ giáo viên còn véo tai, tát vào mặt cháu bé khiến nạn nhân khóc thét lên.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người bức xúc trước hành động của nữ giáo viên đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm đối với hành vi bạo hành cháu bé.
Theo Giadinhonline, sự việc xảy ra tại một Trung tâm can thiệp sớm trẻ khuyết tật học hòa nhập trên địa bàn khu phố Lê Hồng Phong (phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Kết quả xác minh của cơ quan chức năng, cháu bé bị bạo hành trong clip lan truyền trên mạng xã hội tên là P..A.B.K (SN 2020, trú tại phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn) bị Dương Thị H. (SN 2000, ở phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn) đã có hành vi bạo hành ngày 3/12/2022.
Đáng chú ý, Trung tâm can thiệp sớm trẻ khuyết tật học hòa nhập này đang hoạt động “chui” vì chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trung tâm có thuê 05 cô giáo dạy cả ngày, 03 cô giáo dạy ngoài giờ; đang tiếp nhận 25 em học sinh (độ tuổi từ 18 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi).
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Giảng viên khoa Pháp luật (Trường Đại học Thuỷ Lợi) cho biết, đây là vụ việc bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Giáo dục là hoạt động đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi vậy, nếu cơ sở giáo dục này không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mà hoạt động chui thì phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý. Đồng thời buộc đóng cửa cơ sở giáo dục này và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi bạo hành trẻ em thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi này diễn ra từ bao giờ, diễn ra bao nhiêu lần và với những cháu bé nào. Theo quy định của pháp luật thì hành vi đối xử tàn nhẫn đối với người lệ thuộc là hành vi hành hạ người khác. Người thực hiện hành vi hành hạ người khác mà gây tổn thương tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 (BLHS 2015).
Theo thông tin sự việc nêu trên thì các cháu bé học tập ở đây đều ở độ tuổi từ 2-3 tuổi. Các em còn quá nhỏ và không có khả năng tự vệ. Cho nên hành vi hành hạ trẻ em không có khả năng tự vệ mà gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù (khoản 2, Điều 140, BLHS).
Nếu kết quả xác minh cho thấy, giáo viên nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra thương tích nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đã gây ra thương tích cho các cháu bé về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 (BLHS 2015).
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa gây ra thương tích nghiêm trọng; chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các cháu bé; chưa gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đồng thời người thực hiện hành vi đã biết ăn năn sám hối thì có thể sẽ không xử lý hình sự mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP .
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các giáo viên ở cơ sở này, xác định hậu quả đã gây ra đối với các cháu khỏe về thể chất và tinh thần để đánh giá tính chất nghiêm trọng của sự việc làm cơ sở quyết định việc xử lý hình sự hay xử phạt hành chính.
Luật sư Cường cũng cho rằng, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em ở các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục tư thục, các hoạt động giáo dục chui. Bởi vậy, ngoài việc phát hiện, xử lý đối với các hành vi bạo hành trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các cơ sở giáo dục không tuân thủ quy định của pháp luật, hoạt động chui, giáo viên không đạt tiêu chuẩn.
Những hành vi vi phạm pháp luật ở những cơ sở giáo dục này, đặc biệt là hành vi bạo hành trẻ em thì cần phải xử lý nghiêm minh trong đó không loại trừ trường hợp sẽ áp dụng chế tài hình sự. Cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương đối với hoạt động giáo dục này.
Để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục thì công tác quản lý giáo dục cần được tăng cường và quyết liệt hơn nữa. Kiên quyết loại bỏ các cơ sở giáo dục đào tạo chui, trường không đạt chuẩn, lớp không đạt chuẩn, giáo viên không đạt chuẩn.
“Giáo dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em chậm phát triển, có khuyết tật thì đòi hỏi giáo viên phải có năng lực, trình độ, phẩm chất, phải có kĩ năng phù hợp thì mới đạt hiệu quả. Đối với những người thực hiện hoạt động giáo dục nhưng lại không được đào tạo đúng chuyên ngành, không có kỹ năng sư phạm thì rất dễ mất kiểm soát cảm xúc, có thể thực hiện những hành vi bạo lực, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
Trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi mầm non thì hoàn toàn không có khả năng tự vệ, hay quấy khóc nên nếu giáo viên không có kỹ năng nghiệp vụ, không được đào tạo bài bản thì rất dễ nổi nóng và thực hiện các hành vi xâm phạm đến thân thể của các em.
Để các trung tâm giáo dục, các trường tư thục hoạt động trái phép một thời gian dài thì sẽ có lỗi của cơ quan quản lý về giáo dục ở địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục thì mới có thể giảm thiểu được những nguy cơ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại ở các cơ sở giáo dục”, Giảng viên Đặng Văn Cường chia sẻ.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên”.