Những ngày đầu tiên của năm 2023, ông John McCarthy trở lại Việt Nam, nơi ông có 3 năm giữ cương vị Đại sứ Australia (1981-1983). Chuyến viếng thăm lần này khiến ông rất xúc động bởi năm 2023 đánh dấu 50 năm Việt Nam-Australia thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023). Australia là một trong những nước thiết lập ngoại giao sớm nhất với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Với cá nhân cựu Đại sứ John McCarthy, thấm thoát đã 40 năm ông hoàn thành nhiệm vụ của mình tại đây.
Nhân dịp này, ông có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những trải nghiệm đặc biệt tại Việt Nam.
Sự thay đổi ngoạn mục tại Việt Nam
– Thưa cựu Đại sứ, đã 40 năm kể từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Lần này trở lại, ông có cảm xúc như thế nào? Ông nhận thấy Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Ông John McCarthy: Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi đã quay lại Việt Nam khoảng 6 lần. Mỗi lần, tôi đều nhận thấy sự thay đổi ở đất nước của các bạn.
Năm 1981, khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên, đất nước vừa trải qua chiến tranh. Đời sống người dân đang ở mức rất thấp. Nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Cái bóng của chiến tranh quá lớn khiến người dân khó có thể bước qua.
Trong 40 năm qua, Việt Nam đã phát triển từng bước. Đầu tiên phải kể đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1986 đã góp phần tạo ra những thay đổi to lớn trong xã hội, mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Sau đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước phương Tây, tham gia các hiệp định quốc tế, góp phần phát triển kinh tế đến một mức độ đáng kể.
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đạt 3.561 USD, cao hơn GDP bình quân đầu người của Philippines (3.229 USD), gần đuổi kịp GDP bình quân đầu người của Indonesia (3.870 USD). Trong 40 năm qua, Việt Nam đã đi được một chặng đường rất dài. Các bạn có thể tự hào về điều đó.
Về mặt xã hội, 40 năm trước, thực phẩm dành cho người dân còn khá hạn chế, dù không có nạn đói. Đến nay, dân số Hà Nội đã lên đến hơn 8 triệu người và đời sống của mọi người đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Một thay đổi rất rõ rệt là về giao thông và cơ sở hạ tầng. Ngày trước, Hà Nội chỉ có một con đường cao tốc. Người dân vẫn thường phơi lúa ngay trên mặt đường.
– Khi nhận nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, cảm xúc của ông như thế nào? Ông đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trên cương vị Đại sứ Australia tại Việt Nam?
Ông John McCarthy: Năm đó, tôi 39 tuổi, đang là Chánh văn phòng của Bộ Ngoại giao Australia. Khi nhận nhiệm vụ, tôi thấy hãnh diện, vui mừng và có cảm giác rằng hành trình tại Việt Nam sẽ rất thú vị.
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Dựa trên kinh nghiệm làm việc tại một số quốc gia châu Á, tôi nhận thấy rằng Việt Nam có nền văn hóa tương đồng với các quốc gia trong khu vực song vẫn có những bản sắc riêng độc đáo.
Thời điểm đó, các nước phương Tây bao gồm cả Australia đã cắt viện trợ cho Việt Nam, quan hệ giữa hai nước cũng không được “ấm áp”, song tôi được người Việt Nam đối xử rất lịch sự và nhã nhặn.
Qua nhiều cuộc đối thoại, chúng ta đã có những tiến triển trong việc thắt chặt mối quan hệ. Khi Đảng Lao Động do ông Bob Hawke lãnh đạo, trở lại cầm quyền từ tháng 3 năm 1983, Ngoại trưởng Bill Hayden muốn thay đổi chính sách cô lập Việt Nam và đề nghị tiếp tục viện trợ. Tháng 6/1983, Ngoại trưởng Bill Hayden đến Việt Nam và tháng 4/1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đến Canberra để tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Sau đó, quan hệ giữa hai nước dần trở nên tốt đẹp hơn.
– Tôi được biết rằng ông đã đón Ngoại trưởng Bill Hayden đến Hà Nội năm 1983 đồng thời tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong chuyến thăm Australia năm 1984, mặc dù nhiệm kỳ Đại sứ của ông đã kết thúc. Những chuyến thăm này để lại ấn tượng như thế nào đối với ông?
Ông John McCarthy: Về chuyến thăm của Ngoại trưởng Bill Hayden, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Đại sứ quán Australia tại Hà Nội rất nhỏ. Nhân sự cũng chỉ có tôi và một người nữa. Trong khi đó, ông Bill Hayden mang theo hơn 10 nhà báo bởi ông rất coi trọng sự kiện này và muốn báo chí Australia đưa tin rộng rãi về chuyến thăm. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để hỗ trợ các nhà báo gửi tin tức về Australia.
Tương tự như vậy, chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng được truyền thông Australia quan tâm và đưa tin đậm nét. Tôi rất ấn tượng, bởi ông thông thạo ngoại ngữ và có khả năng tuyệt vời trong việc truyền tải thông điệp.
Sau hai chuyến thăm này, quan hệ giữa Australia và Việt Nam đã được cải thiện rất tích cực.
Hướng tới ‘Đối tác Chiến lược toàn diện’
– Năm nay, Việt Nam và Australia sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo ông, hai nước cần phải làm gì để củng cố tình hữu nghị?
Ông John McCarthy: Từ một mối quan hệ có tầm quan trọng trung bình, Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu đối với Australia.
Ngoài Indonesia, nước láng giềng lớn nhất và có quan hệ trọng yếu với chúng tôi, thì Việt Nam là một trong những quốc gia mà Australia xem trọng nhất.
Quan hệ ngoại giao phải được củng cố dần dần, liên tục, dựa trên sự hợp tác song phương và thấu hiểu lẫn nhau.
– Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Anthony Albanese đã nhất trí ủng hộ việc hai nước xem xét nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng này và hai bên cần phải làm gì để thực hiện được điều này?
Ông John McCarthy: Điều đó sẽ sớm trở thành sự thật. Danh xưng “Đối tác Chiến lược toàn diện” cho thấy những việc mà hai Chính phủ cần phải làm. Tôi hy vọng rằng sẽ có một chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Albanese trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Albanese là một nhà lãnh đạo rất khéo léo về chính sách đối ngoại. Tôi tin rằng ông ấy sẽ làm điều gì đó có lợi cho cả hai quốc gia.
Australia có nhiều thế mạnh về khai thác tài nguyên, giáo dục, y tế, nông nghiệp. Do đó, tôi nghĩ Chính phủ cần đầu tư vào đúng lĩnh vực để phát huy thế mạnh.
Đặc biệt, chúng ta có thể xem xét khả năng hợp tác đầu tư về chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Cá nhân tôi rất muốn thấy một thỏa thuận về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Australia. Chúng tôi đang xem xét hợp tác với Ấn Độ và Indonesia trong lĩnh vực này. Tôi muốn thấy sự hợp tác tương tự với Việt Nam./.
John McCarthy sinh ra ở Washington DC năm 1942. Trước khi công tác trong ngành ngoại giao, ông từng là luật sư. Ông từng giữ chức vụ Đại sứ Australia tại Việt Nam (1981-1983), Mexico (1985-1987), Thái Lan (1994), Mỹ (1995-1997), Indonesia (1997-2001) và Nhật Bản (2001-2004) và Cao Ủy viên Ấn Độ (2004-2009). Ông cũng thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao ở Damascus, Baghdad và Viêng Chăn. |