Thời xưa, các vị vua triều Nguyễn thường thưởng Tết cho quan lại một bộ khăn đóng áo dài, khi thì xấp vải, khi thì chỉ có một trái lê. Đặc biệt, quan lại không buộc phải có quà dâng vua vào dịp cuối năm.
Những chi tiết thú vị như vậy sẽ được hé lộ trong triển lãm 3D trực tuyến “Thưởng-Phạt: Chuyện xưa chưa cũ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức kể từ ngày 11/1.
Triển lãm giới thiệu 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng-phạt dưới triều Nguyễn (1802-1945). Đây là những văn bản lần đầu tiên được công bố, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Ngoài ra, nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật sinh động sẽ góp phần làm phong phú cho triển lãm.
Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, mỗi văn bản là một câu chuyện, một sự việc cụ thể đồng thời thể hiện tư tưởng quan điểm và cách làm của tiền nhân.
“Thời đại quân chủ đã lùi xa nhưng tính nghiêm minh trong cách thưởng-phạt; cách trọng dụng người tài, người có công; tư tưởng nhân văn khi mở ra con đường sống, cơ hội lập công chuộc tội cho không ít trường hợp; quan điểm đề cao chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa… vẫn là những giá trị có sức sống bền vững lâu dài, cần được chắt lọc và bảo tồn trong cuộc sống hôm nay,” bà Mai Hương cho biết.
[Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm và 3 Di sản tư liệu của làng Trường Lưu]
Tìm hiểu cách làm của người xưa cũng là dịp để người thời nay đúc rút những giá trị tham khảo cho cuộc sống đương đại. Ban Tổ chức hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng có cùng mối quan tâm đối với vấn đề này.
Nội dung hấp dẫn nhất của triển lãm xoay quanh việc các vua triều Nguyễn thưởng Tết như thế nào.
Trên bản tấu của Bộ Công vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), Hoàng đế Tự Đức đã phê về việc nghỉ Tết: “Từ nay về sau đặt thành lệ rằng, Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng Tám đầu Xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc.”
Dưới triều Gia Long, đất nước vừa thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, do vậy việc thưởng Tết cho trăm quan không được nhắc đến nhiều.
Dưới triều Minh Mệnh, một văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng; Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội, được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc.”
Hoàng đế cũng ban thưởng rộng khắp chúng dân. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), vua có chiếu rằng: Người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo.
Có khi vua đặc biệt ban thưởng cho cá nhân quan lại. Những món quà tặng nhỏ trong được trao bằng nghi thức long trọng: Đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Lọng không phải che nắng, che mưa cho món quà mà là tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình. Cho dù đó chỉ là món quà bình dị – một trái lê.
Tết Nguyên đán cũng là dịp hoàng đế ân xá cho những người phạm tội. Bản tấu của Bộ Hình năm Duy Tân thứ 3 (1909) cho biết: “Nhân dịp Tết Nguyên đán, xem xét giảm án và phóng thích các loại tù phạm hiện đang bị giam giữ. Trong đó, tù tử tội giảm xuống đánh 100 trượng, lưu đày khổ sai 9 năm.”
Cũng có năm, hoàng đế cho dừng việc chúc Tết và ban yến vì những lý do đặc biệt như biên thùy chưa yên, nhật thực và dịch bệnh.
Triển lãm cũng đề cập đến việc các hoàng đế triều Nguyễn thưởng-phạt phân minh, đủ lý đủ tình, đúng người đúng tội, phạt để răn đe nhưng cũng mở ra cơ hội lập công chuộc tội cho quan lại và dân chúng.
Triển lãm bắt đầu từ 7h, ngày 11/1 tại website và fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I./.