Đôi khi giữa hai người phụ nữ ấy vẫn có bất đồng, nhưng với con dâu, cô vẫn vui vẻ và rất bao dung.
“Tại sao con dâu lại đối tốt với cô như vậy?” – Mỗi khi có người hỏi điều này, cô Thịnh luôn cười nói: “Có gì đâu. Đừng nghĩ là mình cho con dâu vào nhà, thật ra là mình đang tự giúp mình mà thôi”.
“Kiểu gì con trai mình chẳng phải lấy vợ. Nếu mình đối với con dâu không tốt, nó đâu cần tốt lại với mình. Làm khó, làm khổ con dâu, nó lại đi phàn nàn với con trai. Con trai mình ở giữa một bên là mẹ, một bên là vợ, biết bênh ai. Vậy là mình làm khó con mình rồi”, cô Thịnh nói tiếp.
Ở đời có không ít mẹ chồng luôn làm khó con dâu vì một nếp nghĩ cũ. Họ nghĩ rằng phải như vậy mới ra được cái uy của một bà mẹ chồng. Thời trẻ mình đi làm dâu bị mẹ chồng xét nét thế nào, thì khi có con dâu cũng cần xét nét nó như vậy, có thế nhà mới có tôn nghiêm. Cuối cùng, vì suy nghĩ này, nhiều bà mẹ chồng đẩy gia đình con trai đứng trước cảnh tan đàn xẻ nghé lúc nào không biết.
Cô Thịnh có lối suy nghĩ rất khác, có thể cho là mới mẻ so với những bà mẹ chồng “cũ”. Cô cho rằng con dâu là người một nhà, đã là người một nhà, chỉ cần mẹ chồng làm đúng phận sự của mình, đối xử tốt với con cháu bao gồm cả con dâu, con dâu cũng sẽ cảm kích, tự nhiên mà biết yêu thương bố mẹ chồng, coi gia đình chồng là gia đình của cô ấy.
Có 2 mẩu chuyện nhỏ của cô Thịnh trong quá khứ rất truyền cảm hứng. Cô kể, khi con dâu mới về nhà, giống như những bà mẹ chồng khác, để thị uy địa vị mẹ chồng, cô cũng đưa ra những yêu cầu khắt khe với con dâu.
Ai ngờ, con dâu phàn nàn với con trai những ấm ức trong lòng, còn ra điều kiện với con trai, nếu không giải quyết được thì hai người sẽ ly hôn vì con dâu không kết hôn để phải sống trong cảnh mỗi ngày đều nem nép lo sợ, mệt mỏi như thế này.
Lúc đó con trai cô Thịnh quả là không biết phải làm sao. Một bên là mẹ, không thể yêu cầu mẹ phải xin lỗi vợ. Một bên là vợ nước mắt ngắn dài. Anh thấy rất bất lực, bản thân rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ngày nào anh con trai cũng cau có, thậm chí thà làm thêm giờ chứ không muốn về nhà.
Cô Thịnh không nén lòng nổi khi thấy con trai phiền lụy, tiều tụy thấy rõ trong có vài ngày. Lúc đó, cô tự hỏi liệu mình có thực sự nên như thế này không, con dâu có thực sự khiến cô không hài lòng đến vậy không. Cảnh này không phải điều cô muốn thấy, vì vậy cô quyết định sẽ không làm mẹ chồng quá quắt nữa.
Kể từ đó, cô Thịnh bắt đầu cố gắng đối xử tốt với con dâu, chấp nhận con dâu từ tận đáy lòng và không còn ra uy nữa. Con dâu là người thông minh, tinh tế, đã nhận ra sự thay đổi của mẹ chồng nên đối xử với mẹ chồng cũng ngày càng tốt hơn, hiếu thảo với mẹ chồng hơn.
Năm ngoái, cô Thịnh phát hiện bị bệnh dạ dày, phải mổ. Sau khi cô mổ, con dâu túc trực chăm sóc ngày đêm, không nề hà bất cứ việc gì kể cả chuyện đi vệ sinh của mẹ chồng, chăm bà ăn uống, gội đầu, tắm rửa cho bà. Cô Thịnh không còn ghét con dâu một chút nào. Con dâu giờ đối với cô như con gái, thậm chí còn chăm mẹ tốt hơn con gái.
Từ câu chuyện của cô Thịnh, không khó để hiểu rằng giữa mẹ chồng và nàng dâu thực sự không cần coi nhau như kẻ thù, nếu coi nhau như người trong gia đình, mối quan hệ sẽ có đà phát triển tốt hơn. Suy cho cùng, cả hai đều muốn yêu cùng một người đàn ông, và cả hai đều muốn làm cho gia đình mình ngày càng tốt đẹp hơn. Không khó để mẹ chồng nàng dâu thân thiết như mẹ con ruột, chỉ cần có tấm lòng.