Chọn nghề để được cười thoải mái
Mai Quang Khánh (27 tuổi, TP.Đà Nẵng) tự nhận có chất “khùng” trong người. Bởi vì tháng 9/2022, Khánh quyết định từ bỏ công việc ổn định chuyển sang làm content creator (sáng tạo nội dung) trên nền tảng TikTok.
Lý do Khánh theo đuổi việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cũng thật lạ lùng. Chàng trai này muốn phát triển điểm mạnh của mình là nụ cười tỏa nắng, truyền năng lượng tích cực đến giới trẻ.
Trước đó, Khánh làm công việc sales logistics (bán hàng, bán các sản phẩm, dịch vụ logistics). Khi mức lương dao động từ 12 – 15 triệu đồng/tháng, chàng trai này lại quyết định chuyển nghề.
Để bắt đầu chặng đường mới, chàng trai Đà Nẵng đã suy nghĩ trong suốt 2 tháng và chuẩn bị khoảng 4 tháng lương dự phòng.
Khi làm việc tự do, Khánh phải tự quản lý thời gian cá nhân. Lúc đầu, Khánh chưa áp dụng kỷ luật, cho nên không sử dụng thời gian hiệu quả.
Khánh kể: “Cả tháng 10/2022, tôi đều thức dậy lúc 11h. Tôi chỉ có cảm hứng làm việc vào ban đêm. Do chưa biết quản lý thời gian, thích ngủ thì ngủ, thích làm thì làm nên tôi không có năng lượng làm việc”.
Nhận ra bất cập, chàng trai Đà Nẵng cố gắng điều chỉnh thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý hơn. Nhờ vậy, thu nhập từ kênh TikTok cũng tăng dần qua từng tháng.
Nếu như tháng 9/2022, Khánh chỉ nhận về 500 nghìn đồng thì sang tháng 10, 11/2022, thu nhập lần lượt được 4 và 6 triệu đồng.
Gửi thông điệp tử tế đến giới trẻ
Bước vào lĩnh vực mới, Khánh tự nhận bản thân cũng bối rối, khó xác định nội dung vừa thu hút người xem vừa có ý nghĩa. Vì vậy, Khánh từng nản chí, nghỉ hẳn 1 tháng không làm việc.
Lượt xem video không đáng kể, thậm chí không ai xem khiến Khánh xấu hổ. Anh chàng chọn ẩn gần 30 video mà chính mình cảm thấy dở tệ. Quyết tâm làm lại, Khánh học hỏi thêm các kênh, rút kinh nghiệm và lắng nghe góp ý của người xem.
Từ đó, kênh của Khánh được người xem đón nhận nhiều hơn. Hiện tại, kênh có hơn 65.000 người theo dõi.
Gần đây, kênh Tiktok của Khánh đăng tải chuỗi video mời người lạ đi ăn miễn phí. Các video theo chủ đề này được cộng đồng mạng quan tâm và yêu thích.
Khánh cho biết: “Vào một ngày cuối tuần, tôi cảm thấy cô đơn nên lấy xe máy dạo quanh phố phường. Lúc chạy ngang một cô nhặt ve chai, tôi định biếu cô một ít tiền rồi đi. Thế nhưng, tôi cảm thấy đói bụng nên mời cô đi ăn cùng.
Ban đầu, cô e ngại, sợ tôi lừa nên không dám đi. Tôi thuyết phục nhiều lần, cô mới gật đầu đồng ý. Từ đây, chuỗi video mời người lạ đi ăn miễn phí của tôi ra đời”.
Nhiều người đồng ý đi ăn cùng nhưng Khánh cũng gặp không ít “người lạ” thẳng thừng từ chối. Có người từ chối một cách lịch sự, có người xua đuổi, tỏ vẻ nghi ngờ lòng tốt của chàng trai.
“Người giàu hay nghèo, bên trong họ đều có tự trọng, không phải mình dắt đi ăn rồi muốn nói sao thì nói. Mỗi video được tôi đăng tải trên mạng xã hội đều phải có sự đồng ý của nhân vật”, Khánh chia sẻ.
Trong số các khách mời, Khánh ấn tượng nhất với bà Lan. Lúc đi ăn cùng, Khánh nghe bà kể từng bị người ta giật vé số dẫn đến chấn thương nặng. Ở tuổi 82, bà vẫn chạy xe máy, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Chàng trai này khai thác được rất nhiều câu chuyện tích cực từ bà Lan. Đặc biệt, chuyện bà đang chu cấp tiền cho 2 người cháu học đại học khiến Khánh rất xúc động.
Khác với những kênh mang nội dung xấu, độc, Khánh muốn phát triển thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội một cách tử tế. Khánh hy vọng qua những câu chuyện đời thường, giới trẻ sẽ ngẫm ra được nhiều bài học ý nghĩa.
“Nội dung bẩn sẽ không thể tồn tại lâu dài, chỉ những câu chuyện tử tế mới được đón nhận. Sắp tới, tôi sẽ làm video về các bạn trẻ sống xa nhà, sống tích cực. Thông qua đó, tôi giới thiệu về ẩm thực, du lịch, con người miền Trung”, Khánh hào hứng chia sẻ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp