Một người đàn ông giấu tên sống ở Quảng Châu đang trở thành tâm điểm trên mạng xã hội Trung Quốc nhờ chăm chỉ nấu ăn cho vợ mình. Anh xem đây như cách thể hiện tình cảm và giữ cho mối quan hệ luôn lãng mạn.
Mỗi ngày, trước khi vợ (họ Xu) đi làm, anh đều hỏi xem cô muốn ăn gì vào bữa tối để chuẩn bị. Thi thoảng, người chồng khiến nửa kia bất ngờ với những món mới vừa học được, theo South China Morning Post.
“Đã hơn một năm kể từ khi chúng tôi gặp nhau, tôi thật may mắn khi kết hôn với anh ấy. Chồng tôi rất đam mê nấu ăn, anh ấy cố gắng làm cho tôi những bữa ăn hoành tráng mỗi ngày”, Xu nói.
Video cho thấy chồng Xu nấu rất nhiều món như mỳ trứng, xúc xích, thịt lợn xào ớt ngọt, khoai lang hấp, súp rau củ và gà rán.
“Kỹ năng nấu nướng của tôi không tốt bằng anh ấy, nhưng tôi muốn nhắn anh rằng sẽ cố học hỏi từng chút một để có thể nấu cho anh. Hãy cùng nhau tiến bộ nhé”, Xu nói.
Câu chuyện của vợ chồng Xu cũng tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Weibo với 3,98 triệu lượt truy cập, hơn 5.000 bình luận.
Mọi người tranh luận xoay quanh việc liệu xã hội có nên tán dương người chồng hay không và việc nhìn nhận vai trò giới trong hôn nhân.
Nhiều người dùng mạng cũng bày tỏ sự ghen tị với mối quan hệ của hai vợ chồng.
“Làm sao để tôi cưới được một người đàn ông tốt như vậy?“, một người bình luận.
“Nếu đàn ông đều được như người chồng này, phụ nữ sẽ không sợ hôn nhân nữa. Họ sẽ đua nhau kết hôn”, một người khác viết.
Tuy nhiên, nhiều người lại đặt câu hỏi tại sao việc nấu nướng của một người đàn ông lại trở thành chủ đề thịnh hành trong khi phụ nữ vẫn thường nấu ăn cho gia đình.
– “Phụ nữ cả đời đứng bếp, cơm nước cho gia đình lại chẳng bao giờ trở thành đề tài gây sốt. Sao anh chồng này mới nấu cơm cho vợ một năm đã gây xôn xao đến thế?“, một người dùng Weibo đặt câu hỏi.
– “Chúng ta vẫn thường xem chuyện phụ nữ nấu ăn là bình thường, nhưng chúng ta lại xem chuyện này như một món quà nếu đàn ông vào bếp. Lý do tại sao?”, một người khác nhấn mạnh.
Một báo cáo của chính phủ Trung Quốc công bố năm 2020 cho thấy phụ nữ ở quốc gia tỷ dân vẫn bị thiệt thòi trong xã hội. Cụ thể, phụ nữ thường xuyên làm các công việc không được trả công, ví dụ như việc nhà, gấp đôi nam giới.
Bên cạnh đó, “chăm sóc gia đình” là lý do hàng đầu khiến phụ nữ Trung Quốc từ bỏ thị trường việc làm.
Khi đàn ông chia sẻ việc nhà, gia đình sẽ hạnh phúc hơn
Nguyên nhân lớn nhất của những cuộc cãi vã trong gia đình là làm việc nhà. Đàn ông tích cực làm việc nhà có thể ngăn cản nhiều cuộc cãi vã xảy ra.
Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge đã khảo sát hơn 30.000 người tại 34 quốc gia để tìm hiểu thời gian họ dành cho việc nấu nướng, giặt quần áo, dọn phòng, mua sắm và các công việc gia đình khác. Kết luận chỉ ra: “Khi bạn thoát khỏi vai trò truyền thống trong công việc nội trợ, thì nam giới, chứ không phải phụ nữ, mới thực sự được hưởng lợi”.
Một khảo sát khác của tổ chức Yelp được tiến hành trên 2.000 người Mỹ có gia đình và đã ly hôn cho rằng: 80% người tham gia thừa nhận rằng đã từng có mâu thuẫn với người bạn đời về việc phân công làm việc nhà. 20% nói rằng, họ thường xuyên gây gổ với nhau về những việc vặt trong nhà. Những mâu thuẫn chủ yếu thường xoay quanh các vấn đề như: khi nào làm việc nhà (53%), ai làm (48%) và làm như thế nào (50%).
Tiến sĩ tâm lý Sharone Weltfreid cho biết: “Thông thường, phụ nữ hay bày tỏ sự thất vọng về việc phân bổ công việc gia đình. Họ thường bảo rằng người bạn đời của họ thường không thực hiện đúng yêu cầu hoặc trì hoãn thời gian khi họ yêu cầu giúp đỡ. Chính vì vậy, họ có xu hướng ôm đồm tất cả mọi công việc nhà và như một lẽ tất yếu tâm lý oán hận sẽ nảy sinh và ngày chồng chất một nhiều hơn”.
Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó, Tiến sĩ tâm lý Heather Z. Lyons cho rằng, thay vì gây gổ nhau để thể hiện vị thế, tầm quan trọng của mình trong mối quan hệ gia đình, các cặp đôi nên làm chủ cảm xúc của mình và giải bày cho đối phương hiểu những áp lực mình phải chịu đựng. Đồng thời có sự phân chia hợp lý về công việc, thời gian hoàn thành. Nếu làm tốt sẽ được thưởng hoặc đơn giản chỉ là ghi nhận nỗ lực của nhau bằng một lời khen, thể hiện lòng biết ơn”.
Ông Con Stamocostas, một nhà báo người Úc chia sẻ: “Tôi lớn lên như hầu hết các cậu bé người Úc gốc Hy Lạp, mẹ tôi làm tất cả các công việc nội trợ. Tôi được mẹ bao bọc kỹ lưỡng cho đến khi tôi 37 tuổi. Trong khi đó, những cô gái người gốc Hy Lạp mà tôi biết, họ được đối xử nghiêm khắc hơn nhiều so với nam giới. Họ được gia đình “đào tạo” trở thành một “Osin” không công trong nhà với lời đe dọa là nếu không làm tốt các công việc nội trợ, họ sẽ không lấy được chồng. Vợ tôi cũng là một trong những cô gái ấy. Cô ấy làm mọi việc trong nhà, thỉnh thoảng tôi mới giúp cô ấy rửa vài cái bát hoặc đi đổ rác. Tôi không thấy tội lỗi vì những người đàn ông xung quanh tôi đều thế cả.
Tuy nhiên, khi con gái chúng tôi chào đời, vợ chồng tôi đặt ra những quy tắc mới. Tôi nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, vợ tôi chăm sóc con gái bé bỏng. Song không dừng lại ở đó, tôi luôn cố gắng giúp đỡ cô ấy hết mức có thể như thay tã, ru con gái ngủ và đưa con đi dạo để cho vợ nghỉ ngơi.
Khi đã bỏ ra rất nhiều công sức để giúp đỡ gia đình, tôi cảm thấy tự hào vì mình là người cha tuyệt vời. Điều quan trọng hơn là tôi muốn con gái tôi khi trưởng thành không bị ám ảnh rằng việc nội trợ chỉ dành cho phụ nữ. Tôi cũng mong là thế hệ các chàng trai tiếp theo đừng nên ích kỷ, mà phải biết chia sẻ công việc gia đình với người bạn đời của mình”.