Những năm gần đây, việc thuê người yêu xuất hiện như một loại hình dịch vụ, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Nhiều người thắc mắc, thuê người yêu có vi phạm pháp luật?
Liên quan vấn đề này, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì không có bất cứ quy định nào về dịch vụ thuê người yêu hay loại hình kinh doanh này trong hệ thống ngành nghề kinh tế.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu xã hội, có thể xem thuê người yêu là một loại hình dịch vụ. Căn cứ Điều 513 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng phải trả tiền cho bên cung ứng.
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp giao dịch được xác lập, người thực hiện giao dịch tự nguyện và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
Về hình thức của giao dịch dân sự có thể được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, người xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức. Trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự cần được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân thủ theo quy định.
Theo đó, đối tượng trong loại hình dịch vụ này phải là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội, phải được xã hội thừa nhận và tôn trọng (Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2015).
Một số việc tuyệt đối không được thực hiện như lợi dụng dịch vụ thuê người yêu để lừa đảo, hiếp dâm, cưỡng dâm, môi giới mại dâm… Nếu vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Luật sư cảnh báo dịch vụ thuê người yêu tiềm ẩn nhiều rủi ro do đây là loại hình chưa có quy định trong hệ thống ngành nghề kinh doanh, những người sử dụng loại hình dịch vụ này vẫn chưa được pháp luật bảo vệ. Do đó, mọi người cần cảnh giác, cân nhắc khi lựa chọn loại hình dịch vụ này.