Từ bộ cánh đại diện cho quyền lực và địa vị, phải chăng suit đang dần mất đi vị thế của mình khi số lượng những bộ suit bán ra cho nam giới tại Mỹ và Anh Quốc đang giảm dần trong vài năm trở lại đây?
Doanh số bán suit suy giảm
Với bề dày lịch sử hơn 400 năm, suit đã hình thành dòng tư tưởng về phong cách thời trang cho nam giới, là biểu tượng của sự chuẩn mực, sang trọng và quyền lực.
Dù ở bất cứ thời đại nào, suit cũng nên được thiết kế và may đo một cách cẩn thận. Khoác lên mình một bộ suit sắc nét chính là cách người mặc thể hiện sự tinh tế và chỉn chu.
“Đàn ông phải học cách diện suit như phụ nữ tập mang giày cao gót.” Nhận định này của nhà thiết kế Tom Ford đã khẳng định tầm quan trọng của suit trong tủ đồ của một người đàn ông lịch lãm.
Xu hướng này kéo một loạt những nhà may đo suit có tiếng như Gieves & Hawkes, Hardy Amies, Simon Cundey… đến bờ vực phá sản.
Bên cạnh đó, Marks & Spencer, một trong những nhà bán lẻ đa quốc gia hàng đầu thế giới, chỉ còn bán suit tại 110 cửa hàng – so với con số 254 cửa hàng trước đây. Doanh thu sụt giảm đã khiến nhà bán lẻ này phải chuyển sang chiến lược bán lẻ quần tây và áo vest để chúng có thể kết hợp với những món đồ đời thường hơn.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do đại dịch COVID-19. Giai đoạn toàn xã hội đóng cửa làm việc tại nhà đã khiến chuyện mua sắm quần áo công sở trở nên không còn cần thiết. Mọi người dần chuyển qua những món đồ dễ mặc, có tính ứng dụng cao hơn.
Suit sẽ còn sống mãi
Thảm đỏ Grammy 2022 chứng kiến nam ca sỹ nổi tiếng Justin Bieber khoác lên mình bộ suit quá khổ từ nhà mốt Balenciaga phối cùng áo phông trắng, mũ beanie màu hồng và đôi Crocs cách điệu nạm đinh. Trước đó tại liên hoan phim Venice, bộ suit lụa màu bạc diện bởi Timothee Chalamet đã phần nào thay đổi cách nhìn của đại đa số khán giả về suit.
Ngoài các trend-setter, nhiều thương hiệu thời trang lớn cũng ra mắt những mẫu thiết kế góp phần đổi mới hình ảnh về bộ suit. Điển hình là chiếc áo vest Tailleur Oblique của nhà mốt Dior dưới bàn tay “nhào nặn” của giám đốc sáng tạo Kim Jones.
Lấy cảm hứng từ mẫu thiết kế Oblique cổ điển năm 1950, Kim Jones đã tạo nên Tailleur Oblique – chiếc áo có phần nữ tính và mềm mại hơn với đường cắt một hàng khuy hoàn hảo cùng chiếc khuy cài bên phải giúp ôm vừa thân hình người mặc mà không gây ngột ngạt.
[Balenciaga thời Demna: Cách mạng tiêu chuẩn hay tùy hứng nghệ thuật?]
Trên thực tế, những bộ suit không mất đi, chúng chỉ chuyển mình để trở nên phù hợp hơn với xu hướng và lối sống đương đại. Nhìn lại thời trang thảm đỏ thời gian gần đây của Robert Pattinson, có thể thấy anh ngày càng ưa chuộng những mẫu suit quá khổ.
Trong buổi ra mắt phim “Batman” tại London, anh mặc một chiếc suit len màu xám rộng của Dior, kết hợp cùng áo cổ lọ đen tạo nên tổng thể trang phục trẻ trung và hiện đại.
Điểm chung trong những bộ suit được Justin Bieber, Robert Pattinson hay Timothee Chalamet mặc nằm ở phom dáng có phần thoải mái, nói không với sơmi và càvạt. Trước đây nam giới coi trọng yếu tố vừa vặn khi đặt may một bộ suit và càvạt là món phụ kiện họ không thể thiếu, nhưng thực tế ngày nay đã khác.
Trong cuộc gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở dãy Alps vào tháng 6/2022, một nhóm các nhà lãnh đạo đã chụp một bức ảnh làm dậy sóng giới thời trang. Lý do rất đơn giản: không ai trong số họ đeo cà vạt dù họ đều mặc suit. Biên tập viên thời trang nam Derek Guy sau đó đã đăng bức ảnh này lên trang Twitter cá nhân kèm chú thích “cà vạt đã chết.”
Rõ ràng, “suit and tie” đã trở lại tươi trẻ và táo bạo hơn trước, từ những mẫu áo sơ mi lụa tại show diễn Xuân Hè 2023 của Celine Homme đến áo vest mặc với quần jeans rách của Egonlab hay cà vạt kết hợp cùng quần túi hộp của Dries Van Noten. Giám đốc điều hành của Moss Bros – thương hiệu nổi tiếng về may đo suit, giải thích: “Suit cũng tuân theo xu hướng thời trang giống như mọi món đồ thời trang khác. Suit chúng ta thấy hôm nay đã mềm mại và đời thường hơn.”
Cùng với sự lên ngôi của thế hệ Gen Z, một thế hệ cởi mở và tự do, “suit and tie” chắc chắn sẽ còn xuất hiện dưới nhiều biến thể mới bất ngờ và thú vị hơn nữa./.