Cách đây không lâu trên mạng xã hội đã có một bài đăng nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tác giả bài đăng là một người phụ nữ sau khi kết hôn đã lựa chọn ở nhà làm bà nội trợ chính hiệu, không chỉ chăm sóc gia đình rất chu đáo mà còn dạy dỗ con cái rất tốt. Người chồng có mức lương rất ổn, nhưng thường xuyên làm việc xa nhà, chỉ khi lễ Tết mới về nhà thăm vợ con. Trong mắt người ngoài, đây là một gia đình trung lưu hạnh phúc.
Thế nhưng trong cuộc hôn nhân gần ít xa nhiều, người vợ đã phải gánh vác quá nhiều những điều vặt vãnh, phiền phức trong cuộc sống. Và sau đó, cô vô tình phát hiện ra chồng mình ngoại tình, tuy rất phẫn nộ nhưng cô lại do dự có nên ly hôn hay không. Cô đã hy sinh quá nhiều tâm huyết cho gia đình này, sau khi kết hôn cô không đi tìm việc mà hoàn toàn dựa vào chồng mình nuôi cả gia đình. Nếu như ly hôn, vậy thì con cái phải làm sao? Bản thân cô sau này phải làm sao?
Sau khi ly hôn, tất cả mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu, cũng có nghĩa là mọi sự cố gắng của nửa đời trước đều đổ sông đổ biển hết. Có người bình luận rất tinh tế: “Có nên ly hôn hay không, chỉ có mình bạn là có quyền quyết định”. Tình yêu là lãng mạn và hoa hồng, còn hôn nhân lại là chuyến hành trình của cuộc sống hiện thực. Tình yêu có nồng nhiệt đến mấy thì cuối cùng đều sẽ nhạt dần trong cuộc sống hiện thực cơm áo gạo tiền.
Áp lực cuộc sống ngày nay ngày càng lớn, trong cuộc sống bộn bề tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Đối mặt với sự thực hôn nhân tan vỡ, rất nhiều người đều rơi vào hố sâu của hôn nhân, trải qua biết bao nhiêu đêm mất ngủ đều rất khó đưa ra lựa chọn. Thực ra, chỉ cần hiểu được 3 sự thật này trong hôn nhân, bạn sẽ biết rốt cuộc có nên ly hôn hay không.
Có một vị luật sư đã từng phụ trách vài trăm vụ ly hôn nói rằng: “Hôn nhân ngày nay, việc chán nhau trong 7 năm như truyền thống trước kia đã dần rút ngắn thành 3 – 5 năm. Ngày càng nhiều người một khi đã thấy không còn tin tưởng lẫn nhau, yêu thương nhau nữa là sẽ ly hôn”. Thế nhưng, một khi đã bước vào tòa thành khép kín mang tên hôn nhân thì sẽ chẳng thể rút lui một cách êm đẹp được.
Ly hôn sẽ phải phân chia tài sản, sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, chỉ riêng thời kỳ giảng hòa cũng đã mất 1 tháng. Thực ra đây cũng là một khoảng thời gian để cuộc hôn nhân có thể được cứu vãn. Khi một cuộc hôn nhân xuất hiện vấn đề, cần suy nghĩ là đối phương nhiều vấn đề hơn hay bản thân mình nhiều vấn đề hơn. Khi nào thì mâu thuẫn ngày càng nhiều? Cho dù là cuộc tình này đã phải ly hôn trong hồ đồ, vậy thì trong cuộc hôn nhân tiếp theo liệu có tiếp tục xảy ra những chuyện như thế nữa không?
Tôi đã từng đọc được một câu chuyện như thế này:
Hai vợ chồng có mối quan hệ rất tốt, trước khi sinh con, cả hai gặp phải rất nhiều vấn đề đều có thể bàn bạc giải quyết. Sau khi sinh con, mẹ chồng tới chăm cháu, quan hệ giữa người vợ và mẹ chồng bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn. Mẹ chồng nhiều lúc sẽ không biết giữ chừng mực, chê trách vết mổ sau sinh của người vợ quá xấu, lúc nào cũng kiếm chuyện để cãi nhau với người vợ, còn liên tục xen vào việc giáo dục con cái.
Cũng may người chồng vẫn khá là ủng hộ vợ mình, mỗi lần gặp phải vấn đề đều có thể đứng ở góc độ của cô để ủng hộ cô. Cho dù là vậy, người vợ vẫn không thể chịu được hành vi của bà mẹ chồng, khổ nỗi không có ai chăm con giúp. Vì thế, cô hỏi chuyên gia rằng cô có nên ly hôn hay không?
Chuyên gia đáp: “Đầu tiên, cô phải học cách giải quyết những vấn đề trong hôn nhân. Nếu không thì cuộc hôn nhân tiếp theo cũng vẫn sẽ có những vấn đề với mẹ chồng, nói không chừng người chồng còn đứng về phía cô”. Sau này, người vợ xác lập giới hạn của mình, thử lập ra những quy tắc trong gia đình, trải qua một khoảng thời gian rèn giũa đã giải quyết vấn đề mẹ chồng nàng dâu một cách hoàn hảo.
Lúc kết hôn không được bồng bột, lúc ly hôn cũng càng cần cẩn thận
Đó không chỉ là vấn đề của hai người, mà nó còn kéo theo cả hai gia đình và con cái. Có người lựa chọn tiếp tục hao mòn trong hôn nhân, cho dù đối phương có tồi tệ đến mức nào cũng không muốn bước ra. Có người lại coi việc ly hôn như đấng cứu thế, dường như chỉ cần ly hôn là cuộc sống mới sẽ bắt đầu.
Ly hôn không phải là cách giải quyết các vấn đề trong gia đình. Không giải quyết mọi nguồn căn của mâu thuẫn trong hôn nhân, thay một người khác thì chẳng qua cũng chỉ là thoát khỏi ổ sói thì lạc vào hang hùm. Phải chăng hôn nhân không quan trọng, điều quan trọng là bản thân có năng lực giải quyết vấn đề trong một cuộc hôn nhân hay không.
Chúng ta nhất định phải đưa ra quyết định trong trạng thái tỉnh táo mới là sự tôn trọng cơ bản nhất đối với hôn nhân. Hôn nhân không phải là trò trẻ con, đa số mọi người không phải cứ muốn ly hôn là ly hôn được. Đôi lúc muốn thông qua việc ly hôn để xoay chuyển tình thế, nhưng lại phát hiện bản thân vốn dĩ không có khả năng thoát thân. Tố tụng ly hôn luôn ẩn giấu mặt tàn khốc nhất, u ám nhất của nhân tính, hai người từng thề non hẹn biển quay lưng trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Kết thúc một cuộc hôn nhân luôn khó khăn hơn rất nhiều việc bắt đầu một mối tình
Một người bạn của tôi là luật sư đã từng xử lý một vụ như thế này:
Một người phụ nữ kết hôn 10 năm, tình cảm với chồng đã rạn nứt nên quyết định đòi ly hôn. Khi luật sư biết rằng mức lương của cô chỉ đủ để duy trì cuộc sống của mình thì đã khuyên cô cần tỉnh táo: “Đầu tiên, điều cô cần cân nhắc không phải là ly hôn, mà là phải nâng cao năng lực kiếm tiền của mình trước đã. Vì dựa vào mức lương hiện tại của cô, cho dù là ly hôn, khi giành quyền nuôi con thì cũng bị yếu thế”.
Ly hôn không phải là giải thoát, mà nó còn vướng rất nhiều chướng ngại của hiện thực. Không có tiền, thì chỉ có thể sống cẩu thả, tạm bợ. Nếu như có thể không cần dựa vào bất kỳ ai vẫn có thể tự lo được tất cả mọi chi tiêu cho con cái thì mới có thể dứt khoát ly hôn, bắt đầu một cuộc sống mới. Một người bất kỳ lúc nào cũng đều cần có năng lực kiếm tiền, như vậy mới có thể làm chủ chính mình được, cho dù bản thân rơi xuống bùn lầy cũng vẫn có khả năng chống lại sự đời.
Tôi từng xem được câu chuyện của một nữ khách mời trong chương trình truyền hình Trung Quốc “Hẹn hò kiểu Trung Quốc”. Cô không muốn miễn cưỡng bản thân sống trong một cuộc hôn nhân mệt mỏi, vào năm 35 tuổi, để giành quyền nuôi con, cô đã lựa chọn ly hôn và ra đi với bàn tay trắng. Để có thể cho con cuộc sống tốt đẹp hơn, cô chỉ có thể cố gắng dùng mọi cách để kiếm tiền.
Do đã rất lâu không đi làm, cô thử mở cửa hàng quần áo, tiệm mỳ, dựa vào năng lực của mình, cô dần dần có được sự nghiệp của mình, cũng ngày càng phát đạt. Hiện nay, cô dựa vào năng lực kiếm tiền của mình đã có thể dành cho con mình cuộc sống thoải mái, sung túc. Cô đã nói như thế này: “Cám ơn cuộc hôn nhân đó, nếu không thì bản thân mãi mãi không thể biết được độc lập kinh tế quan trọng đến vậy”.
Hôn nhân chưa bao giờ là vị cứu tinh của cuộc đời, chỉ có bản thân mới có thể trở thành chỗ dựa vững chắc nhất của chính mình. Giống như câu nói: “Đàn ông cũng được, đàn bà cũng vậy, nếu như không có năng lực tự sống cuộc sống của riêng mình, vậy thì người đó cũng không có năng lực có thể chung sống tốt với bất kỳ ai khác”. Phong hoa tuyết nguyệt của tình yêu sẽ luôn biến thành những chuyện vặt vãnh, vớ vẩn trong cuộc sống hôn nhân.
Hôn nhân đi đến cuối cùng luôn là sự tranh chấp lợi ích
Không bị ràng buộc bởi kinh tế mới có thể có được sự tự do trong hôn nhân. Cho dù là hôn nhân như thế nào đều cần có năng lực độc lập kinh tế. Năng lực kiếm tiền có thể bảo vệ tình yêu trong khi hôn nhân ngọt ngào, cũng có thể là lá chắn an toàn nhất bảo vệ chính mình khi hôn nhân đổ vỡ. Trên chiến trường hôn nhân này, đi sai một bước sẽ hủy hoại cả cuộc đời. Hôn nhân chẳng có một bên nào là người chiến thắng hoàn toàn.
Trong bảng xếp hạng áp lực cuộc đời của Trường Đại học Y học Washington, ly hôn xếp thứ 2 về việc chịu áp lực. Ly hôn trước giờ không phải chỉ là một câu nói nhẹ tênh, nó sẽ khiến hai vợ chồng đều bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí còn suy sụp tinh thần. Khi hôn nhân gặp phải “đèn đỏ”, dừng tổn thất kịp lúc là thông minh, nhưng lựa chọn tu sửa cũng là một kiểu năng lực.
Từng có người hỏi rằng: “Khi hôn nhân không còn hoàn hảo nữa, tại sao vẫn còn phải ở lại?”. Có người trả lời: “Trên đời này chẳng có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo, cho dù là ly hôn thì cuộc hôn nhân tiếp theo cũng chưa chắc đã tốt hơn hiện tại. Mỗi một cuộc hôn nhân đều có vô số lý do để chia tay, nhưng rất nhiều cuộc hôn nhân có lẽ vì một lý do để ở lại nên có thể kiên trì tới cuối cùng”.
Tôi từng đọc được một câu nói như thế này: “Chưa bao giờ có cuộc hôn nhân nào là thực sự hoàn hảo, cái gọi là gia đình lý tưởng chính là gia đình có khả năng sửa chữa được”. Khi hôn nhân xuất hiện rạn nứt, mới là lúc bắt đầu mối quan hệ thân mật thực sự. Giống như khi hôn nhân của chúng ta xuất hiện những nguy cơ, thay đổi góc nhìn cũng có thể là cơ hội để chuyển biến. Nếu như không có vấn đề mang tính nguyên tắc thì có thể thử sửa chữa lại hôn nhân.
Giả dụ bạn đang trong một cuộc hôn nhân khiến bạn phải băn khoăn, nhưng lại không muốn từ bỏ, có lẽ bạn có thể thử cách như sau:
Đầu tiên là thiết lập mối quan hệ thân mật có thể dựa dẫm, nương tựa lẫn nhau: Nguyên nhân chính gây rạn nứt của nhiều cuộc hôn nhân là vì vợ chồng không thiết lập mối quan hệ thân mật, vì thế khi chịu ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài sẽ dễ dàng bị lung lay.
Thứ hai, cần phải học cách thông cảm lẫn nhau, như vậy mới có thể ở bên nhau lâu dài mà không chán ghét: Mỗi một người đều khát khao được nhìn thấy, được chú ý tới. Khi bạn đời đang tâm sự, chúng ta cần dành cho đối phương sự hồi đáp trực diện, thỏa mãn nhu cầu tình cảm của họ.
Cuối cùng, có thể thử cho hôn nhân một kỳ hạn để cứu vãn: Trạng thái hôn nhân tốt nhất là cho dù có rất nhiều vấn đề vẫn nguyện cùng nhau sửa chữa quan hệ, cuộc hôn nhân như vậy mới có thể bền chặt được.
Chúng ta dành cho hôn nhân một kỳ hạn để cứu vãn, cho đối phương một cơ hội, cũng là cho bản thân một cơ hội. Tôi đã từng đọc được một câu như thế này: “Những người thời đó của chúng tôi coi hôn nhân giống như cái tủ lạnh, nếu hỏng rồi thì sửa chữa hết lần này tới lần khác, rồi cũng sẽ sửa được thôi. Còn người trẻ bây giờ, hỏng rồi thì đòi thay cái mới”.
Một cuộc hôn nhân đi đến kết thúc không phải là sự bồng bột nhất thời. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp, tuyệt đối không phải là bạn phải chịu đựng, nhẫn nhịn, mà là học cách vun đắp. Giống như hoa ngoài ban công, chúng ta mong chờ thời khắc hoa nở, nhưng khi không nở, cũng cần phải tưới nước, bón phân. Bắt đầu từ bây giờ hãy chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, bồi dưỡng năng lực sửa chữa hôn nhân, có lẽ hôn nhân sẽ thay đổi tốt hơn. Trên con đường hôn nhân dài đằng đẵng, chỉ khi cả hai đều chung sức vun đắp thì mới có thể hạnh phúc cả đời.
Tôi rất đồng tình với ý kiến này: “Kết hôn với những người khác nhau cần đối diện với những vấn đề khác nhau, không có một cuộc hôn nhân nào là không cần cố gắng vun đắp cả”. Cuộc hôn nhân có thể nắm tay nhau đi hết cuộc đời, giữa chừng chưa chắc đã là hạnh phúc hoàn toàn, đôi lúc cũng sẽ phải trải qua những điều vặt vãnh của hiện thực. Hôn nhân khi có rạn nứt, rốt cuộc là nên dừng lại hay sửa chữa, trước giờ chưa từng có đáp án tiêu chuẩn. Đó vốn dĩ là quyết định theo nhu cầu của mỗi người, chỉ có bản thân mình mới có quyền lựa chọn. Hoặc là lựa chọn tự mình có thể chịu đựng, hoặc là chịu đựng điều bản thân tự lựa chọn.
Đối với hôn nhân, cho dù là rời đi trong yên tĩnh, hay là dũng cảm ở lại, đều cần tiến bước về phía hạnh phúc. Mong hôn nhân của bạn thuận lợi, có thể trân trọng được người bên gối, khi gặp thất bại cũng có thể có năng lực quay lưng bước đi bất cứ lúc nào.
Theo Công lý