Năm 2019, bà Wang, một phụ nữ lớn tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã kiện con trai, con dâu và đòi được trả 140.000NDT (khoảng 457 triệu đồng) vì đã chăm lo cho cháu nội suốt 8 năm trời, kể từ khi đứa bé mới được một tuổi.
Tuy nhiên, bà Wang chỉ được trả một nửa số tiền yêu cầu, sau khi thẩm phán yêu cầu cặp vợ chồng người con phải trả cho mẹ 70.000NDT.
Bà Wang cho hay, một mình bà đã phải chăm lo cho đứa cháu nội từ khi mới một tuổi. Theo đó, bà đã trả mọi chi phí sinh hoạt, học phí, tiền thuốc men cho cháu để duy trì hòa thuận gia đình.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tối đa của bà, con trai và con dâu bà Wang vẫn bày tỏ ý định ly hôn. Cảm thấy tức giận, bà Wang đã kiện con trai và con dâu ra tòa, đòi họ trả số tiền mà bà nuôi cháu.
Bà cho hay, bà kiện các con không phải vì tiền mà bà muốn chúng biết rằng cần phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc con của họ. Suốt 8 năm qua, bà Wang là người lo phần lớn chi phí sinh hoạt cho cháu trai và nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ. Trong khi đó, con dâu và con trai bà sau một thời gian làm ăn xa lại muốn ly hôn, đường ai nấy đi. Bà cho đó là hành động vô trách nhiệm của cả hai người.
Nhiều người già đang thay đổi quan niệm truyền thống
Tại Trung Quốc, nhiều người già về hưu thường mắc kẹt ở nhà vì phải chăm sóc cháu nhỏ để con trai và con dâu đi làm. Nhưng vợ chồng bà Chen Shuxiang không muốn vậy. Họ chỉ thi thoảng phụ giúp đưa đón cháu đến trường. “Chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình”, người phụ nữ ngoài 60 tuổi, ở Phúc Châu, đông nam Phúc Kiến, nói.
Cũng như vợ chồng bà Chen, nhiều người già đang thay đổi quan niệm truyền thống. Thay vì chăm cháu không công toàn thời gian, họ chỉ phụ giúp trong thời gian nhất định hoặc muốn con trả tiền công.
Nhiều trường hợp đòi tiền chăm cháu đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc những năm gần đây. Linda Sun, một giáo viên mẫu giáo ở Thượng Hải cho biết ít nhất 80% trẻ em trong lớp của cô được ông bà đưa đón hàng ngày. Nhưng gần đây, cô bắt đầu thấy bố mẹ đưa đón con nhiều hơn. “Mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con“, cô nói.
Theo một khảo sát năm 2017 về việc “có cần trả công cho ông bà”, 84,3% người Trung Quốc tham gia khảo sát nghĩ rằng “nên trả”, 9,4% cho biết “không muốn trả”, và 6,2% chỉ trả khi được yêu cầu.
Giáo sư Yuan Xin, thuộc viện Dân số và phát triển của ĐH Nam Khai, ở Thiên Tân cho biết, thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ khiến ông bà trở thành người nuôi dạy cháu chính trong các gia đình. Tuy nhiên, tư duy xã hội và điều kiện tài chính gia đình tốt hơn đã góp phần thay đổi quan niệm truyền thống này.
“Những người nghỉ hưu hiện nay sinh sau năm 1960, họ đủ trẻ để hưởng các lợi ích kinh tế và tiếp thu những thay đổi trong quan niệm xã hội. Họ không phải kiểu người sống xoay quanh gia đình nữa. Thế hệ trẻ cũng muốn cha mẹ có cuộc sống riêng”, chuyên gia nói.