Ngày 1/2, tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử-Di vật ngàn năm từ lòng đất.”
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang 2023.
Hoạt động góp phần tuyên truyền, giới thiệu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Bắc Giang; quảng bá tiềm năng về du lịch, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch “Về miền đất thiêng Tây Yên Tử;” từng bước thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế, khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách.
Tại đây, gần 400 hiện vật và 60 hình ảnh liên quan đến các dấu tích chùa, tháp từ thời Lý-Trần (thế kỷ XIII-XIV) và thời Lê-Nguyễn (thế kỷ XVII-XIX) trên địa bàn 5 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Thế được trưng bày theo các nhóm hiện vật là vật liệu xây dựng-trang trí kiến trúc, là đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sành, gốm, sứ…
[Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử]
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn giới thiệu chi tiết những điểm chùa, di tích và hình ảnh về quá trình khai quật khảo cổ tại các điểm di tích, dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứng minh quy mô, sự hưng thịnh của Phật giáo từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV tại vùng Tây Yên Tử.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho biết Tây Yên Tử là vùng đất nằm ở sườn phía Tây cánh cung Đông Triều, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.
Với địa thế núi cao, cảnh đẹp nên từ xa xưa, khu vực sườn Tây Yên Tử đã được các vị vua thời Lý-Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo. Vì vậy, tại khu vực Tây Yên Tử hiện còn bảo lưu hệ thống di tích và danh thắng với đầy đủ các loại hình phong phú, đa dạng.
Hệ thống di tích này nằm trải rộng trên địa bàn 4 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trong các giai đoạn thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) và kéo dài sang thời Lê-Nguyễn (thế kỷ XVII-XIX).
Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang vào thời Trần còn có hàng loạt các di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được chính các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên…
Tuy nhiên, trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, một số ngôi chùa cổ đã bị hư hỏng nay chỉ còn là phế tích (chùa Hồ Bấc, chùa Hòn Tháp, Mã Yên…).
Trong những năm vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ tại các điểm chùa trên sườn Tây Yên Tử và một số huyện trong tỉnh, đã thu được rất nhiều hiện vật. Qua đó, đã làm rõ và bổ sung nhận thức về lịch sử, quy mô, kết cấu của kiến trúc các di tích tôn giáo giai đoạn Lý-Trần ở Bắc Giang.
Đây cũng là cứ liệu quan trọng làm tăng thêm giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo cơ sở cho việc quy hoạch tôn tạo, phục dựng lại các ngôi chùa, kiến tạo không gian tâm linh, thực hiện hiệu quả chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang về dự án “Đầu tư phục dựng các di tích theo con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.”
Đồng thời, kết quả khai quật khảo cổ học thể hiện trên những di vật ngàn năm tồn tại từ lòng đất tại các địa điểm di tích này còn là minh chứng xác thực, cung cấp cứ liệu khoa học phục vụ việc xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử tại ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa Thế giới./.