Ngày 16/2, triển lãm có tên “Alice Neel: Hot Off The Griddle” được khai mạc tại Phòng trưng bày nghệ thuật Barbican ở London (Anh).
Sự kiện sẽ kéo dài đến ngày 21/5.
Đây là triển lãm lớn nhất của nghệ sỹ thị giác người Mỹ Alice Neel (1900-1984) cho đến nay ở Anh.
Triển lãm quy tụ hơn 70 bức chân dung xuất sắc nhất, ghi lại sống động bối cảnh chính trị và xã hội đang thay đổi của Mỹ ở thế kỷ 20.
Triển lãm được tổ chức với sự cộng tác của Trung tâm Pompidou (Paris, Pháp).
[Những bức ảnh ‘đánh lừa thị giác’ về thực hiện giãn cách xã hội]
Những bức tranh sơn dầu trưng bày cùng các tác phẩm nhiếp ảnh và phim lưu trữ, làm sống động tính nghệ thuật mà bà gọi là “vòng xoáy của thời đại.”
Các bức tranh sơn dầu của Alice Neel tập trung tôn vinh những người “bị gạt ra ngoài lề” xã hội Mỹ thời bấy giờ như trẻ em da màu, người gốc Puerto Rico, phụ nữ mang thai, các nhà hoạt động dân quyền và những nghệ sỹ đồng tính…
Vào cuối những năm 1960, sự quan tâm đến các tác phẩm của Alice Neel ngày càng tăng do động lực của phong trào nữ quyền.
Vào giữa những năm 1970, bà đã trở nên nổi tiếng và có tầm vóc như một nghệ sỹ quan trọng của quốc gia.
Năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã trao cho bà giải thưởng National Women’s Caucus for Art vì thành tích xuất sắc. Danh tiếng của Alice Neel đạt đến đỉnh điểm khi bà qua đời vào năm 1984.
Và trong những thập kỷ tiếp theo, các tác phẩm của bà vẫn tiếp tục được hoan nghênh trong thế giới nghệ thuật thông qua các cuộc triển lãm lớn, thậm chí còn được so sánh với những danh hoạ vĩ đại như Vincent van Gogh hay Lucian Freud…
Giám tuyển Eleanor Nairne tại Phòng trưng bày nghệ thuật Barbican nhận định: “Thật khó để tìm được ai không ngả mũ trước Alice Neel. Bà ấy thường trích dẫn nhà văn Nga Nikolai Gogol và coi mình là người chinh phục các linh hồn. Alice Neel muốn tạo ra một loạt những tác phẩm kinh điển, thể hiện những người mà bà ấy tin rằng xứng đáng được ghi tạc.”
Trong khi đó, bà Alice Neel chia sẻ: “Đó là một đặc ân, bạn biết đấy, để vẽ cần rất nhiều thời gian, nên điều đó có nghĩa là có rất nhiều thứ khác bạn sẽ không làm được. Nhưng với tôi, hội họa không chỉ là một nghề, nó còn là một nỗi ám ảnh. Tôi phải vẽ”./.