Các chuyên gia cho biết thái độ xung quanh chuyện tình nơi văn phòng bắt đầu “tan băng” trước làn sóng người lao động trẻ và sự rời đi của những nhân viên đến tuổi nghỉ hưu, The Washington Post đưa tin.
Theo dữ liệu mới từ Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ (SHRM), cả nhân viên thuộc Gen Z (sinh năm 1996-2012) và cuối thế hệ Millennials (1990-1995) trẻ tuổi đều có nhiều khả năng cởi mở với chuyện tình cảm chốn công sở hơn các thế hệ khác, với hơn 33% người lao động ở độ tuổi này đồng ý nhận định đó.
Trong khi đó, chỉ 15% nhân viên thuộc đầu thế hệ Millennials (1981-1989), 27% thế hệ X (1965-1980) và 23% thế hệ Baby Boomer (1955-1964).
Ngoài ra, 3/4 tổng số người lao động cho biết họ cảm thấy thoải mái khi hẹn hò với người khác ở nơi làm việc.
Phyllis Hartman, Chủ tịch công ty PGHR Consulting và là chuyên gia trong ngành nhân sự, cho biết có một sự thay đổi trong vài năm qua khi nhân viên lớn tuổi nghỉ hưu và người lao động trẻ ngày càng nhiều – những người có xu hướng thẳng thắn bày tỏ và trung thực hơn một chút về những gì họ suy nghĩ.
Theo Johnny C. Taylor Jr., Giám đốc điều hành công ty SHRM, mọi người sẽ dành khoảng 90.000 giờ làm việc trong cuộc đời. Do đó, có thể dự đoán rằng một số người sẽ phát triển sự gắn bó cá nhân, hoặc thậm chí là lãng mạn trong môi trường công sở.
“Tuy nhiên, nếu người lao động tìm kiếm sự lãng mạn trong môi trường làm việc của họ, dù là làm từ xa, lên văn phòng hay hybrid (kết hợp cả hai cách), phía sử dụng lao động phải có chính sách quy định rõ về mối quan hệ lãng mạn tại công ty nhằm bảo vệ nhân viên trong tình huống này”, ông nói.
Trong cuộc khảo sát, sự lãng mạn nơi làm việc bao gồm những thứ như tán tỉnh, hẹn hò và phát triển mối quan hệ cam kết.
Thái độ đối với chuyện hẹn hò chốn công sở đã đạt nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Từng có thời điểm, kiểu quan hệ này bị các chủ lao động cấm đoán, hoặc phải chịu ảnh hưởng bởi nhiều chính sách của công ty.
Một số doanh nghiệp đề nghị nhân viên ký vào “hợp đồng tình yêu” – yêu cầu nhân viên tiết lộ liệu họ có đang trong một mối quan hệ hay không và đưa ra hướng dẫn về cách họ nên cư xử tại nơi làm việc. Một số chính sách nghiêm ngặt thậm chí có quyền thuyên chuyển nhân viên nếu người đó bị phát hiện có quan hệ tình cảm với đồng nghiệp.
Thế nhưng, các công ty đã loại bỏ những thỏa thuận đó trong những năm gần đây. 71% người lao động Mỹ được SHRM khảo sát cho biết công ty không yêu cầu tiết lộ mối quan hệ lãng mạn tại nơi làm việc của họ. Rất ít người tự nguyện nói chuyện đó với cấp trên. Thông thường, họ sẽ cởi mở với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, chính đồng nghiệp lại có thái độ phán xét chuyện hẹn hò chốn công sở. Cuộc khảo sát cho thấy 40% nhân viên nghĩ rằng hẹn hò với đồng nghiệp là không chuyên nghiệp. 18% người lao động từng ở trong mối quan hệ lãng mạn ở văn phòng cho biết điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của họ.
Mặt khác, dù hầu hết người lao động Mỹ (87%) từng trải qua mối tình lãng mạn ở văn phòng đều nói rằng vấn đề công việc không ảnh hưởng mấy tới quyết định chia tay của họ, 13% lại có ý kiến ngược lại.
Chủ tịch Hartman của PGHR Consulting cho biết ngay cả khi mối quan hệ không công khai, vẫn khó để giải quyết việc cảm thấy khó xử, ái ngại khi chạm mặt nhau hàng ngày trên văn phòng.
Theo đó, đối với những người lao động đang cân nhắc bắt đầu hẹn hò đồng nghiệp, tốt hơn hết họ nên cởi mở điều đó với cấp trên và bộ phận nhân sự.
“Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng bạn có thể ém nhẹm chuyện tình cảm ở văn phòng. Thông tin đồn đoán tại nơi làm việc sẽ làm bại lộ câu chuyện, đem lại hiệu quả hơn nhiều so với giao tiếp chính thức”, bà nói.