Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam.
Suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của bản Đề cương đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển. Đó cũng là nền tảng để giới văn nghệ sỹ, trí thức tìm thấy cảm hứng lao động, sáng tạo.
Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về sự ra đời, ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Đề cương trong bối cảnh hiện nay.
Kim chỉ nam của cách mạng văn hóa
– Thưa ông, xin ông cho biết bối cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời của Đề cương về văn hóa năm 1943?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm 1943, xuất phát từ tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta nhận thấy thời cơ để đánh đổ chế độ phát xít, thực dân Pháp-Nhật và bè lũ taY sai, lập nên chế độ dân chủ, cộng hòa đang đến gần. Trong rất nhiều công việc quan trọng và cần kíp phải chuẩn bị và tiến hành, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân-phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa, loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm, xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới.
Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay khởi thảo Đề cương văn hóa Việt Nam, chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá. Đề cương văn hoá đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sỹ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương Văn hóa Việt Nam xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật), “sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới.”
– Xin ông cho biết nội dung căn bản của Đề cương về văn hóa năm 1943 và nền tảng mà Đề cương đã xây dựng để nước ta xây dựng nền văn hóa dân tộc?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Đề cương xác định rõ ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa,” “Đại chúng hóa,” “Khoa học hóa.”
“Dân tộc hóa” là việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do.
Ở khía cạnh “đại chúng hóa,” nền văn hóa dân tộc do lớp lớp thế hệ người Việt Nam sáng tạo, xây đắp, bảo vệ, phát huy; nhận rõ và chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa xa rời hay gây hại đối với đông đảo quần chúng. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn của Đảng nghệ thuật vị nhân sinh, phản đố khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, xa rời thực tiễn, thủ tiêu hay sao nhãng ý chí đấu tranh cách mạng.
[80 năm Đề cương văn hóa VN: Bộ Văn hóa công bố đề án tổ chức kỷ niệm]
“Khoa học hóa” nghĩa là bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa, đúng hơn là sản phẩm văn hóa phản khoa học, phản tiến bộ. Tính khoa học còn là việc biết kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại, từ Đông, Tây, kim, cổ.
Cần chiến lược phát triển văn hóa phù hợp
– Theo ông, các nhà quản lý, những người làm công tác văn hóa cần triển khai Đề cương về văn hóa ra sao trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số như hiện nay?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hôm nay cần hiểu rõ và quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn của Đảng về văn hóa; cần làm rõ những nội dung, nguyên tắc, tính chất của văn hóa mà Đề cương nêu ra, được Đảng ta bổ sung, phát triển và hoàn thiện qua mỗi giai đoạn cách mạng cho tới hôm nay và mai sau.
Chúng ta đã và đang phát triển kinh tế tri thức, xã hội số, quốc gia khởi nghiệp, chính phủ điện tử, tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới đòi hỏi phải có chiến lược phát triển văn hóa phù hợp.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các ngành văn hóa, văn học, nghệ thuật đang phát huy tối đa những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa.
Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, hình thành nên những kênh truyền thông đa diện, đa sắc màu, góp phần bày tỏ các ý kiến, quan điểm sáng tạo, sáng tác khác nhau, góp phần thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa trong xã hội. Tuy nhiên, mặt trái, mặt tiêu cực về hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa cũng từ đây tác động xấu đến xã hội, nhất là giới trẻ.
Các ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, in 3D và nhiều hướng tư duy mới buộc Việt Nam phải thay đổi trong hoạt động quản lý di sản, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thay đổi của chính văn hóa nghệ thuật và mong muốn của xã hội.
Đối phó với những vấn đề vừa nêu đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy phát triển, chứ không chỉ dừng ở việc ứng phó thông qua sửa đổi chính sách đơn thuần. Phát triển văn hóa cũng cần được đặt trong bối cảnh thay đổi chung đó để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nghệ thuật vị nhân sinh, phản đố khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, xa rời thực tiễn, thủ tiêu hay sao nhãng ý chí đấu tranh cách mạng. Đó là bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa trở nên phản khoa học, phản tiến bộ.
– Thưa ông, có thể nói rằng những nội dung súc tích, căn bản trong Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam, tạo nên một bộ rễ vững vàng để “cây văn hóa” dân tộc phát triển cành, nhánh, vươn ra thế giới. Vậy, trong công tác quảng bá văn hóa, chúng ta có thể áp dụng tư tưởng gì từ Đề cương về văn hóa Việt Nam để xây dựng những tác phẩm thật sự giá trị, có sức lan tỏa, đại diện cho văn hóa Việt giàu bản sắc?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Sau 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đầy hy sinh, gian khổ. Quan điểm, sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; ba nguyên tắc của nề văn hóa mới Việt Nam là “Dân tộc hóa,” “Đại chúng hóa,” “Khoa học hóa” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
– Xin trân trọng cảm ơn ông./.