Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức với hàng trăm ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng đã góp phần không nhỏ vào việc cổ vũ, động viên tinh thần các tầng lớp nhân dân.
Họ đã đem tài năng, trí tuệ, nhiệt tình yêu nước phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, dẫn dắt người dân hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ.
Nghệ sỹ – chiến sỹ trên mặt trận văn hóa
Năm 1951, trong Thư gửi các họa sỹ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy.”
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy vai trò và sứ mệnh vô cùng to lớn của văn nghệ sỹ – một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam – lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa.
Nhìn lại lịch sử từ xưa tới nay, ông cha ta đã biết dùng văn học, nghệ thuật là vũ khí để cổ vũ, hiệu triệu toàn quân đồng sức chung lòng đánh giặc, bảo vệ bờ cõi non sông. Đó là “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn góp phần cổ vũ, khích lệ toàn quân quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Đó là bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, được ví như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam trong khẳng định chủ quyền, biên giới lãnh thổ, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân ta, làm quân địch khiếp đảm…
Trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, cho đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ văn nghệ sỹ có nhiều người vừa chiến đấu dũng cảm, vừa sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân sẵn sàng chiến đấu giành độc lập dân tộc.
Có những người dù không trực tiếp xung trận nhưng bằng trách nhiệm, tài năng, trí tuệ đã tạo ra những giá trị tinh thần vô cùng to lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
[Điểm tựa để văn sỹ, trí thức ‘dấn thân’ đưa đất nước phát triển]
Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ văn nghệ sỹ với hàng trăm ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go, gian khổ, cùng với các lực lượng y bác sỹ, lực lượng vũ trang xung kích nơi tuyến đầu, đội ngũ văn nghệ sỹ cũng đã có nhiều đóng góp.
Từ những sản phẩm tinh thần như hàng trăm ca khúc âm nhạc, những tác phẩm nghệ thuật khác góp phần cổ vũ, động viên lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu và toàn dân chung tay chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID-19, đến những đóng góp cả về vật chất như bằng sự ảnh hưởng của mình đã đứng ra kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước ủng hộ nhiều trang thiết bị y tế, tiền bạc để có thêm nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn…
Có thể thấy trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các thế hệ văn nghệ sỹ-chiến sỹ luôn khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những khi đất nước lâm nguy, khó khăn nhất, đội ngũ văn nghệ sỹ trí thức đều sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với vai trò là lực lượng tinh hoa, ưu tú được nhân dân và đất nước yêu quý, tự hào.
Không chỉ luôn xung kích trên trận tuyến chống quân thù mà văn nghệ sỹ với sứ mệnh cao cả luôn đồng hành, cổ vũ, động viên nhân dân lao động, sáng tạo, hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ.
Đầu tư cho văn học nghệ thuật
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: Trải qua 75 năm hình thành, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sỹ đã được tôi luyện thử thách qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và trong thời kỳ đổi mới luôn gắn bó với Đảng, với nhân dân, luôn đồng hành cùng dân tộc.
Hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đã tô đậm truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, chuyển tải tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần nhân văn cao cả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tạo nên niềm tin, khát vọng cho nhân dân vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Đảng, Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo chính trị liên tục, sát sao.
Đảng đã khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”
Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân cũng thẳng thắn thừa nhận, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa-văn học nghệ thuật trong những năm gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng, Nhà nước.
Đó là sự vắng bóng của những công trình, những tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; đó là sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học.
Xu thế “nghiệp dư” hóa trong sáng tác, biểu diễn, đó là sự “lên ngôi” của những những loại hình, những tác phẩm bị dư luận gọi là “thị trường,” “nhảm nhí” nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng.
Cùng với nó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí phản cảm lại tràn ngập, chiếm lĩnh đa phần các phân khúc thị trường văn hóa, từ thành thị tới nông thôn, từ sân khấu màn ảnh đến báo hình, báo mạng cho tới cả những chốn linh thiêng, di tích, lễ hội.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, là những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, các văn nghệ sỹ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó, đã, đang và sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân kiến nghị trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện nhiều hơn nữa để đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức nước nhà phát huy tài năng, công hiến cho đất nước, nhân dân.
Cần có chương trình mục tiêu quốc gia về Văn học nghệ thuật, Nhà nước tập trung hỗ trợ tối đa cho các tác phẩm có chất lượng cao, chăm lo đào tạo và phát huy các tài năng lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đề xuất, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho văn hóa, khoa học tương xứng với đầu tư cho kinh tế để tạo điều kiện, cơ hội cho văn nghệ sỹ, trí thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước, góp phần phát triển văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều kiến nghị Đảng, Nhà nước đầu tư hơn cho các nhà văn, cho văn học nghệ thuật, nhưng không phải là tiền, điều kiện sống mà là “đầu tư lòng tin của Đảng, Nhà nước” và không gian sáng tạo cho các nhà văn.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là sự đầu tư lớn nhất, tạo cảm hứng lớn nhất, sự thấu hiểu lớn nhất đối với các nhà văn, để từ đó họ mở lòng, tin cậy, dấn thân hơn trong lao động sáng tạo, phụng sự dân tộc, đất nước, con người.
“Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sỹ thật là nặng nề, rất vẻ vang. Văn nghệ sỹ hôm nay nguyện noi gương các thế hệ tiền nhân, tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Mỗi văn nghệ sỹ, bằng những tác phẩm phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ-nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có phồn vinh và hạnh phúc,” Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân bày tỏ./.