Ngày 24/2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức khai trương Nhà trưng bày di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết tranh dân gian Đông Hồ có lịch sử lâu đời với màu sắc vui tươi, sống động, nội dung mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc. Đây là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Qua những biến động của thời gian, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ bị tác động mạnh mẽ, có nguy cơ mai một.
Nhằm bảo tồn văn hóa đặc sắc của quê hương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030.”
Trong số đó, chú trọng đến việc quảng bá tranh dân gian Đông Hồ; lập hồ sơ trình UNESCO đưa tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.
[Gửi hồ sơ quốc gia Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tới UNESCO]
Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ với kiến trúc đậm nét của vùng quê Bắc Bộ hòa quyện với di tích đình tranh tạo không gian cảnh quan đặc trưng của vùng quê Bắc Ninh.
Điểm nhấn nơi đây là Nhà trưng bày nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đặt ở trung tâm với nội dung phong phú, qua đó góp phần giới thiệu toàn bộ lịch sử chân thực, hấp dẫn về dòng tranh dân gian đặc sắc của dân tộc.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ đưa khu trung tâm Đông Hồ trở thành điểm du lịch kết nối tinh hoa di sản tới du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, khu trưng bày nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có diện tích trên 500m2, với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật được nghiên cứu, sưu tầm từ các gia đình nghệ nhân và nhân dân địa phương. Trong đó, tiêu biểu như bản khắc gỗ, mẫu tranh cổ có tuổi đời hàng trăm năm; các phim, ảnh tư liệu về nghề làm tranh phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu.
Nhà trưng bày nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được chia làm ba phần. Phần 1, khái quát về bề dày lịch sử và tinh hoa văn hóa của làng Đông Hồ nhằm giới thiệu các hiện vật, hình ảnh, sơ đồ, câu trích giúp người xem nắm được gốc tích của làng tranh dân gian Đông Hồ – một ngôi làng cổ trên bến dưới thuyền có truyền thống văn hóa đặc sắc có từ thời Lê sơ.
Phần 2, những giá trị, đặc trưng, độc đáo của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ nhằm giới thiệu chất liệu làm tranh dân gian Đông Hồ đó là những chất liệu độc nhất vô nhị trong nền hội họa của dân tộc. Bằng những kỹ thuật rất độc đáo in ván khắc tạo nên những bức tranh dung dị với các chủ đề phong phú gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
Phần 3, giới thiệu công tác bảo tồn phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, qua đó làm rõ quản điểm của Đảng nhà nước với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ. Tiêu biểu qua các chủ trương chính sách của nhà nước, của tỉnh Bắc Ninh, sự quan tâm các đồng chí lãnh đạo trong quảng bá di sản.
Đặc biệt là chủ trương lập Hồ sơ đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trong khuôn khổ Festival về miền Quan họ năm 2023, tại Nhà trưng bày di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ diễn ra chương trình giao lưu với các nghệ nhân hát dân ca Quan họ, hát Trống quân làng Bùi Xá, múa rối nước Đồng Ngư và các trò chơi dân gian truyền thống vui nhộn như đi cà kheo, nhảy sạp, nhảy bao bố, kéo co, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, bắt trạch trong chum./.