Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã qua đời lúc 20h08 ngày 24/2, hưởng thọ 92 tuổi.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, sau đó về hưu năm 1979, từ đó ông chuyên tâm với văn chương và dịch thuật.
Dịch giả Dương Tường không chỉ để lại một kho tàng các tác phẩm giá trị mà ông sẽ luôn được nhớ đến như một tấm gương hiếu học. Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và bắt tay vào dịch thuật từ năm 1960.
Ông đã dịch khoảng 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp… trong đó phải kể đến “Cuốn theo chiều gió,” “Cội rễ,” “Đồi gió hú,” “Bức thư của người đàn bà không quen,” “Kafka bên bờ biển,” “Con đường xứ Flandres,” “Đi tìm thời gian đã mất”…
Ở tuổi 80, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài làm việc và cho ra đời bản dịch danh tác “Lolita” của Vladimir Nabokov.
Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất là thi phẩm “Tình khúc 24.” Dương Tường thử nghiệm với thơ thị giác qua tác phẩm “Mắt,” “Ngày” và “Đàn.” Các tác phẩm thơ của Dương Tường đều được đánh giá cao. Năm 2007, trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội L’Espace xuất bản tập “Lục giác sông Hồng”, một tập thơ song ngữ Việt – Pháp của Dương Tường và 5 nhà thơ Việt Nam khác. Nhà xuất bản Dalkey Archives của Mỹ cũng xin phép dùng một trang trong tập thơ thị giác “Đàn” của ông để làm bìa cuốn hồi ký “A Sentimental Journey” của Viktor Shklovsky, một nhà văn Nga cùng thời với Maxim Gorky.
Dương Tường còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe” và tập truyện ký “Thuyền trưởng” (dưới bút danh Nguyễn Trinh).
Với những cống hiến của mình, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.
Năm 85 tuổi, ông ra mắt tập thơ Dương Tường thơ tập hợp những tác phẩm sáng tác trong suốt mấy chục năm làm thơ. Năm 2020, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) có tên “Kiều in Dương Tường’s version.”
[Hành trình 2 năm nỗ lực đưa “Truyện Kiều” đến với độc giả Nga]
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định đây là một đóng góp giới thiệu Kiều ra thế giới và nỗ lực của Dương Tường có giá trị khích lệ rất lớn đối với lớp trẻ, đặc biệt là khi dịch giả đã tuổi cao sức yếu mà vẫn cố gắng dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Trong niềm tiếc thương dịch giả Dương Tường, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo của ông lúc nào cũng như tràn đầy. Ông là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh rằng tinh thần kiếm tìm những giá trị mới trong sáng tác lẫn dịch thuật của dịch giả Dương Tường đã “đóng góp đáng kể trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển văn học”./.