Không chỉ gây ảnh hưởng bằng sức tiêu thụ xa xỉ phẩm lớn hay thế hệ thần tượng quyền lực, châu Á còn thúc đẩy sự phát triển chung bằng lực lượng sáng tạo đang ngày một hùng mạnh của mình.
Chính lực lượng bao gồm các nhà thiết kế, các giám đốc sáng tạo… châu Á đã, đang và sẽ thay đổi định kiến trước đây về một công xưởng khổng lồ của thế giới để trở thành thủ phủ hàng đầu của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ.
Những kẻ tiên phong
Có một sự thật chẳng hề dễ chịu vẫn luôn hiện diện qua nhiều thập kỷ trong ngành công nghiệp thời trang là người da màu nhận được ít cơ hội và đặc quyền hơn so với người da trắng.
Cũng bởi vậy mà những phong trào cổ vũ các tài năng da màu hoặc hashtag #stopAsianhate đã được truyền bá rộng rãi và trở thành chủ đề khai thác tin tức vô tận cho truyền thông.
Mặc cho sự tồn tại dai dẳng của quy luật ngầm này bấy lâu nay, các nhà thiết kế hay các giám đốc sáng tạo người châu Á vẫn bền bỉ cống hiến, góp phần đặt nền móng vững chắc cho danh tiếng châu lục.
Có thể kể tới những nhà thiết kế lớp đầu như Kenzo Takada (nhà sáng lập thương hiệu Kenzo), người đã ra mắt dòng đồ ready-to-wear từ cả 45 năm trước khi ngành công nghiệp này thừa nhận khái niệm đó, biến các họa tiết in hoa “over the top” trở nên phổ biến khắp các ngõ hẻm hang cùng của thời trang cao cấp.
[Khi các ngôi sao phương Đông được giới thời trang xa xỉ săn đón]
Issey Miyake cũng là một huyền thoại tiên phong với các thiết kế dập li (pleat) mang tính cách mạng.
Yohji Yamamoto đã thay đổi tư tưởng về chuyện ăn mặc bằng các thiết kế mang tính avant-garde và khả năng may đo hoàn hảo của mình từ những năm 70 thế kỷ trước.
Rei Kawakubo mang tới cho ngành công nghiệp này những ý tưởng đi trước thời đại về chuyện kết hợp giữa thời trang cao cấp và văn hóa đô thị đại chúng…
Đáng nói hơn, hầu hết các nhà thiết kế này công thành danh toại ở trời Tây thay vì lập thân ngay tại quê hương châu Á.
Sự nghiệp của họ không trơn tru dễ dàng mà vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là định kiến cố hữu về việc người Á dấn thân làm thời trang – ngành công nghiệp mới chỉ vừa hết bị gắn mác “thượng đẳng” từ khoảng một thập niên trở lại đây.
“Ngọa hổ tàng long”
Có lẽ đây là cụm từ phù hợp với châu Á trong bối cảnh thời trang đương đại hơn bao giờ hết. Những cao thủ ẩn mình, khi thời tới họ mới xuất đầu lộ diện, xoay chuyển thời cuộc.
Thiên thời, địa lợi đang giúp các nhân tài châu Á có được cuộc tiến công thần tốc. Sự phát triển về kinh tế chung góp phần thu hút các nguồn đầu tư tài chính vào khu vực cũng như thúc đẩy việc hiện thực hóa các ý tưởng lớn ngay trên chính châu lục này.
Một thập kỷ vừa qua, châu Á đã mang tới biết bao nhiêu ý niệm, mô hình bán lẻ vô tiền khoáng hậu như Gentle Monster mở ra chuỗi cửa hàng flagship trải nghiệm đầy khiêu khích trong tâm trí khách hàng phổ thông; những thương hiệu multi-brands concept store xuất hiện như Ink (Hong Kong), DAS lab (Trung Quốc), Stylenanda, Boon the Shop (Hàn Quốc), The Dark Gallery, Labels: (Việt Nam)…
Khác với sự thực dụng của các mô hình bán lẻ phương Tây, tại châu Á, những trải nghiệm mua sắm thường siêu thực, giàu trí tưởng tượng hơn, phản ánh đúng tinh thần hài hòa giữa thời trang và tôn giáo, văn hóa, xã hội.
Cũng bởi sự khác biệt này mà bối cảnh thời trang cao cấp tại đây dần trở nên nhộn nhịp, có sự tác động qua lại cùng với sự phát triển kinh tế chung.
Sự xuất hiện của những nhân tố kể trên còn là tín hiệu vững vàng cho các tài năng sáng tạo tự tin cắm rễ và phát triển ngay trên chính châu lục này mà không cần phải đi đâu xa xôi.
Shushu/Tong, Renli Su (Trung Quốc), Juun.J, Low Classic, Ader Error (Hàn Quốc), Fancì, Subtle Le Nguyen, Datt (Việt Nam)… có thể được liệt kê như những thương hiệu, nhà thiết kế tiêu biểu của châu Á đủ sức cạnh tranh và phát triển với thời trang xa xỉ quốc tế hiện nay. Họ có sức trẻ, sức bền và trên hết là những ý tưởng cấp tiến đủ sức thay đổi diện mạo chung của châu lục. Việc những thương hiệu trên được khởi sinh từ chính lòng châu Á mà vẫn có thể tạo nên tiếng vang trên trường quốc tế là minh chứng rõ rệt về tiềm lực mà châu lục này đang có đủ sức dung dưỡng cho ngành công nghiệp thời trang tới mức nào.
Sự thay đổi này, có thể nói, cũng được cộng hưởng cùng sự lên ngôi của các nhà thiết kế châu Á thế hệ thứ hai, thứ ba, như Yoon Ahn (Hàn Quốc) – nhà sáng lập thương hiệu Ambush và là giám đốc sáng tạo mảng phụ kiện trang sức tại Dior Homme; Alexander Wang (Đài Loan) – người được coi là một thiên tài thiết kế có thương hiệu riêng cùng tên và là cựu giám đốc sáng tạo của Balenciaga; Peter Do (Việt Nam) – cùng thương hiệu mang tên mình được mệnh danh là cứu tinh cho thời trang cao cấp nước Mỹ; Nigo (Nhật Bản) – đương kim giám đốc sáng tạo của Kenzo đồng thời là nhà sáng lập của BAPE, Human Made; Chitose Abe (Nhật Bản) – nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của thương hiệu sacai, từng hợp tác với các thương hiệu lớn như Nike, Cartier…
Cuộc tiến công thần tốc của châu Á trong ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là thị trường thời trang cao cấp, không phải là phép màu qua một đêm đã thành hiện thực. Đó là một quá trình chưa có hồi kết được tạo nên từ những thay đổi tích cực của bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế. Hơn hết thảy, nó đến từ những nỗ lực tự thân không mệt mỏi của những cá thể kiệt xuất mang trong mình dòng máu Á châu./.