Trong chương trình tạp kỹ nuôi dạy con cái “Đừng đánh giá thấp tôi” (Trung Quốc), Phó Thủ Nhĩ – một tác giả sách, nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc có nhiệm vụ đưa một đứa trẻ tên Lôi Lôi lên đỉnh núi. Nhưng Lôi Lôi đến chân núi thì mệt mỏi, bắt đầu gục đầu khóc. Cho dù Phó Thủ Nhĩ động viên như thế nào, đứa trẻ vẫn cứ nức nở mãi.
Trong cơn tuyệt vọng, cô bắt đầu giả vờ tỏ ra yếu đuối, nói: “Chị mệt không thể cử động được nữa rồi. Em khóc thế này, chị còn phải xách cặp cho em nữa. Chị cũng khổ lắm. Chị mệt rồi, nên đừng cãi nhau nữa, được không?”.
Thấy Phó Thủ Nhĩ đột nhiên yếu ớt, Lôi Lôi bất đắc dĩ phải “nghiến răng” nói “Ok”. Kết quả là, cậu bé không chỉ tự mình leo lên đỉnh núi mà còn đóng vai trò dẫn dắt cả đội.
Phó Thủ Nhĩ nói: “Hãy cố gắng cư xử một cách khéo léo với đứa trẻ, đồng cảm, đặt mình vào vị trí của trẻ và cho trẻ tự lựa chọn, bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả sau đó”. Đây chính là cách “nuôi dạy ngược” vô cùng hiệu quả khi giáo dục con cái.
“Nuôi dạy ngược” là gì?
Nhà tâm lý học người Anh Winnicott từng nói, một đứa trẻ không cần một người mẹ hoàn hảo, một người mẹ đủ tốt mới thực sự là người có lợi nhất cho sự phát triển của đứa trẻ và người bố cũng vậy.
Nuôi dạy ngược có nghĩa là cha mẹ và con cái hoán đổi danh tính, cư xử như thể cần được con chăm sóc, tỏ ra yếu đuối với con để kích thích tính chủ động và tinh thần trách nhiệm, khiến con cái trở nên tốt hơn. “Tỏ ra yếu đuối” với trẻ không phải là yếu đuối thật sự mà là một kiểu khôn ngoan để giáo dục trẻ.
Mẹ “yếu” thì con sẽ mạnh: Việc mẹ tỏ ra yếu đuối giúp con cái có cơ hội suy nghĩ độc lập, có cơ hội thử sai, tích lũy kinh nghiệm qua việc thử và sai.
Thể hiện sự “yếu đuối” bắt đầu bằng lời nói và hành động
Hãy cho trẻ cơ hội thay thế “Bố mẹ sẽ giúp con” bằng “Hãy giúp bố/mẹ”.
Ví dụ: “Mẹ sắp hết sức rồi, con bê hộ mẹ món đồ này được không?”; “Hôm nay mẹ hơi mệt, con giúp mẹ làm việc nhà nhé?”. Hoặc khi trẻ gặp khó khăn trong học tập, thay vì ngay lập tức giúp đỡ con khiến về lâu dài con phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, phụ huynh khôn ngoan sẽ nói: “Mẹ không biết trả lời sao cho câu hỏi này, con giúp mẹ kiểm tra thông tin được không?”.
Khi con có vấn đề về cảm xúc, đừng ngay lập tức vỗ về hoặc chê bai, chế giễu, phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con. Thay vào đó, kiên nhẫn hỏi trẻ lý do, hướng dẫn trẻ từng chút một trong quá trình trẻ tự thuật để bày tỏ vấn đề khiến chúng không hài lòng rồi từ từ hướng đến cách giải quyết vấn đề… Bằng cách này, trẻ có thể học cách sắp xếp cảm xúc của mình, thay vì chỉ lo lắng và khóc khi gặp vấn đề.