Việc biết bản thân có xu hướng gắn kết nào giúp bạn xây dựng và phát triển mối quan hệ tình yêu lành mạnh với đúng người.
Khi bước vào mối quan hệ lãng mạn, con người thường có 3 kiểu gắn kết phổ biến: né tránh, lo lắng và an toàn.
Theo nhà tâm lý học Perpetua Neo, các kiểu gắn bó này là kết quả của những trải nghiệm trong quá khứ.
Cụ thể, những người có xu hướng gắn kết lo âu và né tránh thường từng trải qua sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Trong khi đó, hình thức gắn bó an toàn lại phản ánh một tuổi thơ đầy đủ tình yêu thương.
Dưới đây, The Insider đưa thông tin về cách các kiểu gắn kết ảnh hưởng đến tình yêu.
Gắn bó an toàn
Những người yêu đương theo kiểu gắn bó an toàn thường cảm thấy thoải mái khi gần gũi và hài lòng với các mối quan hệ của họ.
Sự an toàn bắt nguồn từ mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ. Gia đình là nơi đem đến cho họ cảm giác được yêu thương và bảo vệ khỏi những hiểm nguy.
Khi bước vào mối quan hệ lãng mạn, những người có kiểu gắn kết này sẽ không làm phiền và hoàn toàn tin tưởng đối phương. Họ luôn biết lúc nào cần sự trung thực, thân mật và hỗ trợ.
Những người này biết cách chấp nhận thiếu sót của đối phương. Họ không thao túng tâm lý, buộc nửa kia phải thay đổi vì mình.
Ngay cả khi xung đột xảy ra, họ có thể vừa bảo vệ quan điểm bản thân vừa lắng nghe bạn đời. Vì vậy, những đối tượng này ít khi bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi liên miên.
Gắn bó lo âu
Những người có xu hướng gắn bó lo âu thường xuyên cho rằng bản thân dành quá nhiều hoặc quá ít sự quan tâm cho đối phương. Họ đặt kỳ vọng vào tương lai với nửa kia thay vì sống cho hiện tại.
Tâm lý đó xuất hiện bởi những người này tin rằng tình yêu sẽ góp phần hoàn thiện con người họ.
Trong một bài đăng trên blog cho Psychology Today, nhà tâm lý học lâm sàng Lisa Firestone cho biết những người có xu hướng gắn bó lo âu cuối cùng sẽ đẩy bạn đời ra xa. Bằng cách cố gắng bám víu vào mối quan hệ, họ vô tình phá vỡ nó.
“Khi cảm thấy không chắc chắn về cảm xúc của đối phương và thiếu an toàn trong mối quan hệ, những người này thường trở nên đeo bám, đòi hỏi hoặc chiếm hữu. Các hành động độc lập của nửa kia châm ngòi nỗi sợ hãi trong họ. Ví dụ, nếu đối phương bắt đầu giao du với bạn bè nhiều hơn, họ có thể cho rằng người đó sẽ rời đi khỏi mối quan hệ”, Firestone chia sẻ.
Để giảm bớt sự lo lắng về mối quan hệ, những đối tượng này sẽ bắt đầu các trò chơi tâm lý để thu hút sự chú ý. Các trò chơi tâm lý điển hình là khiến bạn đời ghen tuông hoặc rút lui bằng cách ngừng trả lời tin nhắn và từ chối nhận cuộc gọi.
Loạt hành động này hiếm khi mang đến kết quả tốt. Cuối cùng, họ thường thu hút những người có xu hướng gắn bó thứ 3: né tránh.
Gắn bó né tránh
Những người có xu hướng gắn bó né tránh thường giữ khoảng cách với bất kỳ ai mới gặp. Lo sợ bạn đời sẽ rời đi, họ luôn là người đưa ra quyết định kết thúc mối quan hệ trước.
“Đây là một nỗ lực vô thức để đảm bảo rằng họ không tiếp tục bị bỏ rơi. Tuy nhiên, các biện pháp phòng thủ này không thể ngăn những điều phải xảy ra”, nhà trị liệu tâm lý Allison Abrams nói.
Kiểu gắn bó né tránh có thể chia thành 2 loại: xa lánh và sợ hãi.
Những người có xu hướng gắn kết né tránh – xa lánh thường xa cách về mặt tình cảm với bạn đời và tập trung quá mức vào bản thân.
Trong khi đó, những người có kiểu gắn bó né tránh – sợ hãi hay cảm thấy lo âu khi ở quá gần hoặc quá xa đối phương.
“Họ mong muốn người khác thỏa mãn nhu cầu của mình. Nhưng khi ở gần người đó, những đối tượng này thường lo sợ bị tổn thương. Do đó, họ khó có thể chỉ dẫn nửa kia cách thức đáp ứng những nhu cầu cơ bản”, Firestone viết.
Con người thường cố gắng sửa chữa sai lầm trong quá khứ bằng cách tạo ra những tình huống tương tự hoặc theo đuổi kiểu người từng làm tổn thương mình.
Vì thế, những người có xu hướng gắn bó lo âu liên tục theo đuổi những đối tượng có kiểu gắn bó né tránh.
Tại sao phải quan tâm đến kiểu gắn bó?
Theo Psych Central, hầu hết chúng ta không thay đổi xu hướng gắn kết dù yêu nhiều người khác nhau.
Nhưng bạn có thể áp dụng một số phương pháp để thay đổi tình trạng bản thân, chẳng hạn như chỉ bước vào mối quan hệ với những người có xu hướng gắn bó an toàn.
Nhận ra vấn đề của bản thân đã là một thành tựu. Theo Firestone, khi nhận thức được kiểu gắn bó, bạn sẽ hiểu phản ứng của mình trước những tình huống khơi dậy nỗi sợ hãi tiềm ẩn.
“Thông qua việc xác định được kiểu gắn kết, hai bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ hãi và bất an được hình thành từ những trải nghiệm quá khứ. Sau đó, cả hai sẽ cùng nhau phát triển kiểu gắn bó mới để duy trì mối quan hệ lâu dài”, Firestone đưa ra lời khuyên.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.