3 lần nấu mì cho con ăn, bố đều lén làm 1 điều khiến con ngỡ ngàng, học được cách cư xử tốt

Xem bài viết

Cha mẹ thông thái sẽ biết cách “mềm hóa” kiến thức sách vở vào đời sống để giúp con tiếp thu tốt nhất. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy bài học dễ hiểu, thú vị, chứ không chỉ là lý thuyết suông khô khan. Những bài học thực tế từ cuộc sống cũng giúp trẻ khắc sâu, nhớ lâu, vận dụng dễ dàng.

Người cha trong câu chuyện dưới đây đã có cách dạy con vô cùng khéo léo, khoa học. Nhờ những bát mì, ông đã giúp con trai hiểu ra những bài học sâu sắc. Chuyện kể cụ thể như sau:

Một buổi sáng, người cha làm 2 bát mì. Một bát có trứng ở trên, một bát không có. Ông hỏi con trai muốn ăn bát nào? Cậu con trai chỉ vào bát có trứng nói:

– Con muốn ăn bát này ạ.

– Nhường cho bố đi.

– Không, bát mì này là của con.

– Không nhường thật à? – Ông bố dò hỏi.

– Con không nhường! – Cậu bé kiên quyết trả lời rồi đắc ý với quyết định của mình.

Ông bố lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mì thì mới bắt đầu ăn bát của mình. Đến những sợi mì cuối cùng, người con nhìn thấy rõ ràng trong bát của cha có 2 quả trứng. Lúc này, ông bố chỉ 2 quả trứng trong bát mì, dạy con rằng:

– Con phải ghi nhớ điều này, những gì mắt con nhìn thấy có thể chưa đủ, thậm chí không đúng. Nếu con muốn chiếm phần lợi về mình, con sẽ không nhận được những cái lợi lớn hơn.

Và ngày hôm sau, người cha lại làm 2 bát mì trứng, 1 bát trên có trứng và bát không có trứng. Người cha hỏi: “Con ăn bát nào?”.

Rút kinh nghiệm từ lần trước, cậu con trai ngay lập tức chọn bát mì không có trứng. Thật ngạc nhiên, khi cậu bé ăn hết bát mì vẫn không có quả trứng nào. Trong khi đó, bát mì của người cha không những có quả trứng ở trên mà còn một quả nữa ở dưới đáy.

Lúc này, ông chỉ vào bát mì của mình và nói: “Không phải lúc nào cũng dựa vào kinh nghiệm được đâu con trai à. Đôi khi cuộc sống sẽ lừa dối con, tạt gáo nước lạnh vào con khiến con phải chịu thiệt thòi. Con không được quá khó chịu hay buồn bã. Hãy xem đó là một bài học”.

Một thời gian sau, người cha lại nấu 2 bát mì như những lần trước và hỏi con trai chọn bát nào. Lần này, cậu con trai muốn cha chọn trước. Ông bố chọn bát mì có trứng và ăn ngon lành. Cậu con đón lấy bát mì không trứng mà ăn, thần thái lần này bình tĩnh.

Ăn một lúc cậu chợt phát hiện trong bát của mình có 2 quả trứng. Người cha mỉm cười nói với cậu con trai: “Con thấy không, khi con nghĩ tốt cho người khác, những điều tốt đẹp sẽ đến với con. Khi con không màng đến lợi ích riêng của bản thân, cuộc đời sẽ không để con phải chịu thiệt”.

3 BÀI HỌC THẤM THÍA MÀ ĐỨA TRẺ NÀO CŨNG CẦN PHẢI BIẾT

1. Những gì thấy tận mắt chưa chắc đã đúng và đôi khi phải chịu thiệt thòi

Trong lần chọn đầu tiên, cậu bé đã vội vàng chọn bát mì có trứng, để người cha ăn bát mì không có trứng. Tuy nhiên, khi ăn gần hết, bát mì của người cha có đến 2 quả trứng khiến cậu bé vô cùng sửng sốt.

Bài học mà người cha muốn dạy con là dù tận mắt chứng kiến mọi việc nhưng đó chưa hẳn là sự thật, đừng vội vàng đặt lòng tin. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng ta đừng nên tin vào những gì “mắt thấy, tai nghe”. Bởi thứ chúng ta thấy chưa chắc đã là sự thật nguyên bản mà là thứ “sự thật” mang theo thiên kiến chủ quan.

3 lần nấu mì cho con ăn, bố đều lén làm 1 điều khiến con ngỡ ngàng, học được cách cư xử tốt - Ảnh 2.

Bài học đầu mà người cha dạy con là: Những gì tận mắt chứng kiến chưa chắc đã là sự thật. (Ảnh minh họa)

Vậy nên chúng ta mắc không ít sai lầm khi đánh giá bản chất sự việc chỉ dựa trên những gì trông thấy. Trước những điều tưởng như rõ mồn mồn, chúng ta vẫn cần bình tĩnh, sáng suốt, suy xét mọi mặt, tự đặt ra những câu hỏi. Đừng để bản thân bị chi phối bởi định kiến hoặc cảm xúc yêu ghét, như vậy sẽ rất dễ bị kẻ khác “dắt mũi” với những niềm tin sai lầm.

Một bài học mà người cha muốn dạy con mình nữa là đừng cố gắng chiếm phần lợi về mình bởi có thể con sẽ đánh mất những cái lợi lớn và lâu dài về sau.

2. Biết chấp nhận sự thật

Trong lần thứ hai chọn bát mì, cứ ngỡ từ kinh nghiệm trước đó, cậu bé sẽ chọn đúng tô mì có trứng nhưng cậu vẫn chọn sai. Và bài học của người cha ở đây là: Không phải lúc nào dựa vào kinh nghiệm cũng mang đến kết quả tốt. Đôi khi cuộc sống giống như một cú lừa mà chúng ta không lường trước được hết.

Vì vậy, khi gặp thất bại hay đối mặt với những điều không mong muốn, hãy coi đó là điều bình thường. Chúng ta không nên quá buồn bực, thất vọng. Con người có rất nhiều tham vọng. Nếu chúng ta đạt được một thứ, chúng ta sẽ mong đạt thứ khác lớn lao hơn. Cứ nhiều lần như vậy thì càng về sau, mong muốn đó càng cao hơn, việc đạt mong muốn càng khó hơn. Không ai có thể thành công cả đời, vì vậy, cha mẹ dạy con chấp nhận thất bại là điều vô cùng quan trọng.

3 lần nấu mì cho con ăn, bố đều lén làm 1 điều khiến con ngỡ ngàng, học được cách cư xử tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

3. Trao đi điều tốt đẹp sẽ nhận về những điều xứng đáng

Trong lần chọn thứ ba, cậu bé chọn bát mì không trứng, nhường cho người cha bát mì có trứng. Nhưng khi đang ăn, cậu đã phát hiện ra bát mì của mình có trứng phía dưới. Bài học mà người cha dạy cho con trai là: Khi ta cho đi mà không cần nhận lại thì mọi thứ tốt đẹp sẽ tới, lòng tốt sẽ được đền đáp.

Lòng tốt là một đức tính mà mọi đứa trẻ cần được bồi dưỡng. Là cha mẹ , bạn phải nhấn mạnh cho trẻ thấy rằng: Lòng tốt là một trong những giá trị không thể thiếu mà ai cũng cần có. Lòng tốt, sự đồng cảm là việc thấu hiểu khó khăn của người khác, biết đặt mình vào vị trí người khác và có cách giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Khi chúng ta sẵn sàng trao đi yêu thương và sự tử tế, chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị tốt đẹp.