Nuôi dạy, giao tiếp giúp trẻ hiểu chuyện, ngoan ngoãn, rèn luyện trí thông minh là cả 1 nghệ thuật, đòi hỏi các bậc làm cha làm mẹ phải hết sức khéo léo. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, không phải lúc nào tâm lý chúng cũng ổn định. Trẻ sẽ trải qua nhiều gia đoạn khủng hoảng tâm lý, khi đó con dễ dàng phát sinh phản ứng chống đối cha mẹ để thể hiện “cái tôi” của mình.
Dưới đây là 6 cách giao tiếp giúp trẻ hiểu chuyện, thông minh
1. Dành nhiều thời gian trò chuyện, gần gũi với trẻ
Đây là nền tảng để cha mẹ nuôi dạy, giao tiếp với trẻ thành công. Phụ huynh nên dành nhiều thời gian chơi với con, tâm sự với con, quan tâm đến những sở thích hay vấn đề của trẻ. Quan trọng hơn cả cha mẹ nên lắng nghe những gì con muốn nói. Khi thật sự hiểu con, phụ huynh sẽ khám phá được nét tính cách độc đáo của con mình. Đồng thời đứa trẻ cũng sẽ học hỏi được sự lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu người khác từ bố mẹ.
Khi cha mẹ và con cái gần gũi với nhau, nói với nhau những lời yêu thương, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu những lời dạy bảo của phụ huynh. Việc con nghe lời xuất phát từ việc con cảm nhận được tình thương từ cha mẹ. Điều đó sẽ giúp con thay đổi từ trong tâm, và hiệu quả hơn rất nhiều.
2. Tập trung vào hành vi của trẻ
Thay vì chỉ khen cho có, hoặc mắng con hư 1 cách chung chung, cha mẹ nên dành thêm thời gian tập trung vào hành vi cụ thể của trẻ. Điều đó sẽ tác động đến con nhiều hơn. Ví dụ như khi chơi xong, con biết thu gọn đồ chơi. Thay vì chỉ khen “con ngoan lắm”, cha mẹ có thể nói “chơi xong biết thu dọn đồ là rất ngoan, mẹ khen ngợi hành động đó của con”. Hoặc chẳng hạn như khi trẻ không chịu ăn, thay vì chỉ nói “con hư lắm” thì hãy nói “Mẹ không thích con lười ăn như thế, đó không phải là 1 hành động tốt”. Việc cụ thể, rõ ràng như vậy giúp trẻ dễ dàng nhận ra lỗi lầm hoặc hành động được khen của mình để chúng sửa đổi/phát huy.
3. Tận dụng cảm giác hối lỗi, áy náy của trẻ
Khi con làm sai, cha mẹ chỉ trích nặng lời, hay bêu xấu hành động của trẻ khiến chúng xấu hổ chỉ làm tồi tệ thêm sự việc. Giáo sư tâm lý học Adam Grant cho rằng, sự xấu hổ của trẻ khiến chúng nông nổi hơn. Con sẽ dễ có hành động sai trái khác để lấp liếm, hoặc phản ứng lại suy nghĩ của người lớn về mình. Tuy nhiên cảm giác áy náy, hối lỗi của trẻ lại có thể trở thành động lực khiến con thay đổi.
Nếu con làm gì đó không đúng, cha mẹ đừng nhắc lại quá nhiều lần lỗi lầm của con, khiến trẻ xấu hổ sinh ra tâm lý phản nghịch. Hãy để con bình tĩnh, sau đó chỉ ra lỗi sai của chúng. Khi con nhận ra được hành vi của mình là chưa đúng, người lớn hãy nói cho trẻ biết chúng phải làm gì để sửa chữa lỗi lầm. Cách giao tiếp này sẽ giúp con ngoan ngoãn và vâng lời hơn.
4. Đừng cố bắt ép trẻ làm điều gì đó
Trẻ nhỏ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng vì thế bố mẹ đừng cố bắt ép các bé làm những điều mà bé không muốn. Nếu không các bé sẽ có xu hướng nổi loạn và không chịu nghe lời đấy. Thay vì bắt con phải làm cái này, phải làm cái kia, cha mẹ hãy ngồi xuống, nhìn vào mắt trẻ và nhẹ nhàng hỏi chúng nguyên nhân vì sao con không làm điều đó. Khi con cảm thấy được tôn trọng, chúng sẽ chia sẻ suy nghĩ của bản thân cho bố mẹ hiểu. Sau đó người lớn cân nhắc suy nghĩ của con và phân tích cho trẻ hiểu đúng/sai của hành động.
5. Giúp con cảm thấy mình có ích
Cha mẹ hãy để con cái tham gia vào việc nhà ngay từ khi chúng còn nhỏ. Công việc tùy vào sức lực và độ tuổi của con. Tốt nhất là bắt đầu trong thời điểm trẻ biết đi và trước khi con học mẫu giáo. Như thế cha mẹ sẽ dạy con tính tự lập. Chúng sẽ sớm nhận biết được hành động nào đúng, hành động nào sai không được khuyến khích. Bên cạnh đó, con cũng sẽ học được cách chia sẻ công việc, giúp đỡ mọi người. Điều này mang lại cho trẻ niềm vui, sự hài lòng về bản thân chúng. Con sẽ cảm thấy mình có ích và ngày càng có nhiều hoạt động tích cực hơn.
Phụ huynh có thể nâng cao giá trị cho trẻ bằng những câu nói như: “Chị … có thể chơi với em giúp mẹ mấy phút được không?”, “Con có thể giúp mẹ quét nhà được chứ?”,… Và khi con giúp đỡ mình, cha mẹ đừng tiếc lời mà không nói “cảm ơn con”, hoặc khen ngợi chúng. Trẻ con cũng giống người lớn, chúng thích được công nhận mà!
6. Tránh việc “hối lộ” trẻ
Khi con làm sai, cha mẹ vội vàng trách mắng. Chúng òa lên khóc khiến người lớn bối rối và nhanh chóng “đầu hàng”. Để con không làm loạn nữa, nhiều cha mẹ đã “hối lộ” trẻ bằng những chiếc kẹo, gói bim bim, hoặc hứa sẽ mua cái này cái kia theo ý muốn của chúng. Đây là 1 việc làm không nên.
Trẻ sẽ nhanh chóng học được cách làm nũng để ra yêu cầu với cha mẹ. Sau này nhờ con bất cứ việc gì chúng đều sẽ đòi hỏi lợi ích. Vì vậy cần dừng ngay hành động nuông chiều con như vậy để trẻ ngoan ngoãn hơn.