Tranh cãi hơn thua
Theo chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, phụ nữ xưa kia được coi là phái yếu và không có quyền lên tiếng trong mọi quyết định lớn nhỏ trong gia đình. Nhưng trong xã hội hiện đại, phụ nữ có cơ hội được thể hiện mình hơn.
Nhiều chị em khi trò chuyện không khéo léo, thường có xu hướng chứng tỏ quyền lực của mình, nhất định phải tranh cãi hơn thua đúng sai với chồng. Thế nhưng khi đó bạn có thể vui vì đã chiến thắng trong cuộc tranh cãi, nhưng dần đây lại là kẻ thù cướp đi sự hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng. Đây cũng là sai lầm khi giao tiếp với chồng mà nhiều chị em hay mắc phải nhất.
Mục đích của giao tiếp giữa hai vợ chồng là tìm ra cách giải quyết vấn đề, không phải là cố tìm mọi cách đánh bại người đàn ông của mình. Trong các cuộc tranh cãi, lùi sau một bước hoặc khéo léo sẽ giúp vấn đề nhanh giải quyết hơn. Thay vì mắng nhiếc, trách móc chồng với những câu nói không lọt tai như “anh chẳng được tích sự gì”… nên sử dụng lời lẽ yêu thương để trò chuyện. Đối phương sẽ cảm thấy không bị công kích, tránh những xung đột lớn hơn.
Dùng lời lẽ nặng nề
Dù chồng hay vợ ai cũng muốn người đối diện thấu hiểu, cảm thông với quan điểm, quyết định của mình trong mỗi cuộc trò chuyện. Nhiều người lại không đứng trên quan điểm của người khác mà khi nói thường dùng lời lẽ nặng nề, thậm chí chỉ trích. Thay vì cằn nhằn, ca thán bằng lời lẽ nặng nề, cần phải hạ thấp cái tôi mà tiếp thu ý kiến của đối phương một cách tích cực
Theo quan niệm của Phật pháp thiện ngôn là cách dùng lời nói kết hợp giữa trí, nhẫn và nhân. Trong đời sống hôn nhân nếu dùng thiện ngôn để giao tiếp với bạn đời sẽ tránh những xích mích không đáng có.
Nói quá nhiều
Với người phụ nữ nói ít thì sang mà nói nhiều thành dại. Các cô vợ trong tâm trí của chồng thường là những người nói quá nhiều. Một ngày trung bình người đàn ông nói khoảng 7000 từ, trong khi phụ nữ lại nói quá nhiều gấp tới 3 lần đàn ông. Nhiều lời trong đó là ca thán, trách móc. Việc biết nói sao cho đủ là điều nên chú ý.
Khi nói quá nhiều khiến cho nửa kia của mình mệt mỏi, áp lực, thậm chí không muốn về nhà. Điều này dễ khiến cho cuộc sống hôn nhân trở nên lạnh nhạt, dễ tan vỡ.
Ít chia sẻ, tâm sự
Chuyên gia tâm lý cho biết, tránh nói quá nhiều là tốt, nhưng kiệm lời quá cũng là sai lầm khi giao tiếp vợ chồng. Mỗi khi có bất hòa xảy ra, việc im lặng, lơ nhau đi càng khiến đối phương khó chịu. Bởi im lặng không phải là cách giải quyết. Chỉ nên im lặng khi cả hai đang nóng, sau đó cần ngồi lại nói chuyện để hiểu nhau hơn. Đừng im lặng quá lâu để mọi chuyện trôi đi, mâu thuẫn tích tụ sẽ đến một ngày bị bùng phát.
Bạn cần nói ra những suy nghĩ của mình, chia sẻ về dự định tương lai hay đơn giản điều bạn nghĩ nên cải thiện để tránh tình trạng vợ chồng trở nên xa cách, mất kết nối.
Mắc bệnh so sánh
Trong giao tiếp vợ chồng tối kị là so sánh. Thế nhưng, nhiều chị em phụ nữ lại hay mắc phải. Việc so sánh thường đem đến hậu quả tiêu cực trong các mối quan hệ, hình thành tâm lý bất mãn, chán nản khiến không khí gia đình thêm căng thẳng. Ai cũng muốn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, và mỗi cá thể trong xã hội loài người đều độc nhất và không ai giống ai. Bạn đừng bắt chồng mình phải giống với hình mẫu đó.
Ai cũng có những điểm mạnh, yếu. Việc không so sánh cũng là thể hiện sự tôn trọng và công bằng nhất định bạn dành cho nửa kia của mình. Nhờ đó họ có thể yên tâm để phát triển bản thân hết mình.
Đánh mất sự hài hước
Vợ chồng cần tập cách trò chuyện, tâm sự với nhau hiệu quả hơn. Hãy dùng con tim chân thành, những lời lẽ thắng thắn nhưng ngập tràn yêu thương, nhân từ để đối phương thấy được tình cảm sâu sắc của mình.
Bạn cũng đừng đánh mất sự hài hước trong mỗi cuộc trò chuyện của vợ chồng. Trong những cuộc trò chuyện gây xúc động mạnh, nói điều gì đó hài hước. Sự hài hước nhiều khi sẽ khiến cho cuộc trò chuyện giữa hai người thoải mái hơn.