Ngày đầu tiên đến trường sẽ luôn là một cột mốc chuyển giao quan trọng với bất kỳ một đứa trẻ nào, cho dù đó là việc rời xa ngôi nhà thân quen để đi học mẫu giáo, hay lên lớp 1. Chính vì thế, để con bạn có thể tự tin vững bước trên chặng đường mới, phụ huynh cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng.
Liên quan đến vấn đề tiền mẫu giáo hoặc tiền lớp 1 này, chúng tôi đã có một số bài viết chia sẻ quan điểm của các chuyên gia của Việt Nam, ví dụ như Thạc sỹ tâm lý Phương Hoài Nga, Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang, hoặc các chuyên gia nước ngoài.
Theo một trang web về giáo dục tại Úc, để quá trình chuyển giao của trẻ diễn ra suôn sẻ nhất, có 8 kỹ năng mà các bé cần thành thạo. Chỉ còn 1 tháng nữa là năm học mới sẽ bắt đầu, bố mẹ hãy xem con mình đã có những kỹ năng nào và cần bồi đắp thêm những điều gì nhé.
Từ việc cầm bút chì đúng cách cho đến việc dùng kéo cắt giấy một cách an toàn, khi đi học là lúc con bạn sẽ ngày càng cần đến các kỹ năng này. Do đó, để phát triển các kỹ năng vận động tinh, bố mẹ nên cùng con rèn luyện thật nhiều các hoạt động liên quan, ví dụ như cùng nhau chơi trò nhào bột, nặn bánh, xâu chỉ vào kim, vẽ trên giấy rồi dùng kéo cắt…
(Ảnh minh họa)
Những kỹ năng này không chỉ giúp ích cho trẻ trong các bài học trên lớp, mà còn giúp trẻ tự tin hơn và khơi gợi óc sáng tạo, rất có lợi trong cuộc sống sau này.
Cuộc sống ở nhà sẽ rất khác so với lúc các bé đi học mẫu giáo, hoặc lên lớp 1. Do đó, để giúp con có thể tự ăn uống mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của người lớn, bố mẹ hãy dạy con cách đóng mở các hộp đồ ăn trưa.
Trước khi năm học bắt đầu vài tháng, hãy mua hộp ăn trưa và tập trước với con ở nhà để giúp các bé làm quen dần dần. Khi con đã làm tốt rồi, hãy mở rộng ra với các hoạt động liên quan như dạy con cách đóng, mở cặp sách, hộp đựng bút, kéo khóa quần, áo, buộc, cởi dây giày, tự đi vệ sinh mà không cần người khác dắt đi, tự lau chùi sau khi đi vệ sinh…
(Ảnh minh họa)
Cũng giống như các kỹ năng vận động tinh, việc cho con các cơ hội để thực hành các kỹ năng vận động thô, bao gồm chạy nhảy, bắt bóng, đá bóng trước khi năm học mới bắt đầu là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp cho con bước đầu làm quen với môn học giáo dục thể chất ở trường lớp, mà còn giúp trẻ có thói quen vận động và hướng tới cuộc sống lành mạnh, duy trì sức khỏe tốt hơn cũng như nâng cao tính kỷ luật và khả năng chịu đựng thử thách.
Có thể đây là điều mà nhiều phụ huynh không để ý, nhưng việc dạy cho con duy trì tư thế đúng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập cũng như trong cuộc sống. Từ dáng ngồi ra sao để viết bài một cách thoải mái nhất, tăng cường sự chú ý, tập trung mà không bị đau mỏi lưng, cho đến dáng ngồi lúc ăn, cách đi đứng, tập thể dục, học bơi… tất cả đều cần có tư thế đúng.
Ở nhà, bạn hãy rèn con giữ đúng tư thế bằng cách ngồi thẳng lưng khi ngồi ăn, ngồi học, đi đứng… để con quen dần.
Để có thể học về chữ viết ở trường, bao gồm việc phát âm, đọc các từ thì trẻ cần có nền tảng ngôn ngữ tốt. Nếu trẻ có vốn từ vựng phong phú với những cách biểu đạt khác nhau thì khi học chữ sẽ rất nhanh.
(Ảnh minh họa)
Chính vì thế, bố mẹ nên chú ý bồi dưỡng cho con bằng cách thường xuyên trò chuyện cùng con, đọc sách cho con nghe, mỗi ngày đều dạy con những từ mới và sau đó lặp lại nhiều lần. Hãy kiên nhẫn, cha mẹ sẽ nhận thấy sự khác biệt của con.
Việc cho con nhìn thấy các chữ in trong sách hay trên màn hình tivi, hoặc các bảng thông báo sẽ giúp con có những hình dung đầu tiên về hình dáng của ngôn ngữ, của các từ vựng dù các con chưa hề biết chữ.
Khi cùng con đọc sách, bạn hãy lấy ngón tay chỉ vào các từ mình đang đọc để bé biết từ đó đọc ra sao và viết ra sao. Quá trình này lặp lại nhiều lần sẽ giúp con nhanh chóng nắm bắt và theo kịp các hoạt động học tập ở trường.
Việc đến trường sẽ mở ra nhiều điều mới lạ, bao gồm cả những thách thức cho các em và một trong những thách thức đó chính là việc phải tuân theo 1 lịch trình nhất định. Những trẻ chưa từng đi học mẫu giáo thì khi bước vào giai đoạn học mẫu giáo hoặc lớp 1 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
(Ảnh minh họa)
Do đó, để quá trình chuyển giao này diễn ra êm ái nhất có thể, bạn hãy cùng con tập luyện trước ở nhà bằng cách kẻ bảng thời gian biểu trong ngày, giờ nào thì dành cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giờ nào học tập… và yêu cầu trẻ thực hiện để trẻ quen dần và không quá bỡ ngỡ khi đến trường.
Nếu con bạn chưa từng đi mẫu giáo hoặc đã đi mẫu giáo nhưng không hòa hợp được với môi trường xung quanh thì bạn càng cần phải chú ý hơn trong việc hướng con đến các hoạt động ngoại khóa, vui chơi với trẻ đồng trang lứa để phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết cho môi trường học tập về sau.
(Ảnh minh họa)
Bố mẹ nên chú ý dạy trẻ cách xây dựng một tình bạn thực sự và có ý nghĩa, không chạy theo số lượng mà nên tập trung về chất lượng. Ban đầu, bạn có thể dạy con cách bắt chuyện với người khác, dạy con biết đâu là những hành vi phù hợp giữa bạn bè với nhau, đâu là điều cần tránh, thế nào là một người bạn tốt… Nên nhớ rằng, việc đến trường sẽ vui hơn nhiều nếu con bạn có những người bạn tốt để sẻ chia và cùng giúp nhau tiến bộ.
Theo Edge Early Learning