Mẹ bạn tôi vừa qua đời. Bạn tự trách bản thân bởi còn nhiều lời hứa với mẹ chưa thực hiện. Bạn từng muốn đưa mẹ đi du lịch, mua cho mẹ thứ này, thứ kia hay đơn giản chỉ là nghỉ trọn vẹn một ngày về thăm mẹ. Nhưng rồi, công việc cứ cuốn bạn đi, lo toan cuộc sống cứ chiếm hết tâm trí, thỉnh thoảng nhớ thì tự biện minh “để sau cũng được”.
Sự lần lữa đó khiến bạn không có cơ hội để làm cho mẹ những điều đơn giản nhất để giờ đây phải sống trong sự hối tiếc khôn nguôi. Nỗi ân hận đó không chỉ của riêng bạn tôi mà còn của rất nhiều người. Bởi chúng ta thường dự định làm rất nhiều điều để báo hiếu cha mẹ nhưng luôn chờ đợi đến một thời điểm thích hợp với một điều kiện cụ thể nào đó.
Người Nhật có một cuốn sách mang tên “Đừng nghĩ rằng bạn còn 20 năm, thời gian bạn được ở bên cha mẹ thực ra chỉ có 55 ngày thôi“… Con số ấy nghe chừng thật đáng sợ thế nhưng trừ đi thời gian công việc, yêu đương, kết bạn, tạo lập gia đình mới, thời gian chúng ta lưu lại cho người cha, người mẹ hóa ra chỉ còn ít ỏi như vậy đấy.
Thời gian vô tình lắm bạn biết không, chẳng có ai mãi mãi là những cô cậu bé, và khi chúng ta trưởng thành cũng là lúc cha mẹ già đi. Có những điều nếu bạn không nói ra ngay bây giờ thì rất có thể cha mẹ sẽ không bao giờ biết được. Nếu bạn không nói ra, làm sao cha mẹ biết bạn hối hận vì đã làm họ buồn như thế nào, làm sao cha mẹ biết bạn tự hào về họ ra sao. Và hơn tất cả, nếu bạn không nói ra, làm sao cha mẹ biết rằng bạn cũng yêu họ vô cùng.
Bởi thế, hãy yêu thương và làm tất cả mọi thứ có thể cho cha mẹ trước khi bạn không còn cơ hội để làm những điều ấy.
Hãy về nhà ăn cơm!
Những bữa cơm nhà là khoảng thời gian quây quần, sum vầy đủ đầy với gia đình. Đó là khi bố mẹ, anh chị em tụ họp bên mâm cơm sau khi học hành và làm việc. Là lúc bản thân cảm thấy mọi thứ mệt mỏi có thể được xua tan khi được ăn những món ngon, hợp khẩu vị do chính mẹ nấu; được nghe những mẩu chuyện cỏn con từ các thành viên và cùng nhau chia sẻ.
Xã hội bận rộn hơn, cuộc sống gấp gáp hơn, mỗi người một việc, một khung giờ riêng, có những khi người trong nhà còn khó để gặp mặt nhau thì những bữa cơm hiếm hoi đủ người sẽ thật quý giá!
Thế nên, hãy cố gắng về nhà ăn cơm, để được ngồi bên bố mẹ, được gắp cho món này món khác, hỏi nọ hỏi kia… Đó không chỉ đơn giản là bữa ăn, nó là một thứ gắn bó rất đơn sơ, giản dị, mà khi có lỡ xa nhà hay phát chán với thức ăn nhanh, cơm hàng quán chợ, bạn mới biết nó quý giá ra sao.
Thể hiện yêu thương
Nhiều người cho rằng, con cái giàu có, cha mẹ ắt được an nhàn. Tiền bạc có thể xây được nhà cao cửa rộng, sắm quần áo xa xỉ hay những thức quà đắt đỏ… Song với người già, cao lương mỹ vị không quý bằng chai mật ong rừng, hộp bánh quy thơm giòn mà con cháu tận tay biếu tặng cùng tấm thiệp nắn nót ghi lời yêu thương. Người giúp việc túc trực phục vụ cũng không ấm áp bằng vòng tay ôm ấp của các con.
Có nhiều cách giúp bạn thể hiện yêu thương với đáng sinh thành. Ngoài việc thường xuyên gọi điện thoại tâm tình, bạn cũng có thể gửi tin nhắn hỏi thăm mỗi ngày, kết thúc bằng thông điệp “#LU (love you) – Con yêu cha mẹ” sau mỗi đoạn trò chuyện. Đó chính là suối nguồn tươi trẻ nuôi dưỡng tinh thần cho người cao tuổi.
Dành thời gian cho cha mẹ
Không nhất thiết là phải dành cả ngày để ở cạnh họ mà không làm gì cả, bạn có thể chỉ cần trò chuyện, nấu ăn, ăn uống, dã ngoại cùng với họ một buổi sáng hay vài tiếng đồng hồ cũng đã làm họ rất vui vẻ rồi.
Nếu bạn là người bận rộn, hãy chọn những ngày cuối tuần để ở cạnh họ và làm họ vui vẻ. Đừng khiến cho họ cảm thấy bạn cần công việc hoặc những người khác hơn là họ.
Nếu bạn không thường xuyên nói chuyện với bố mẹ thì hãy bắt đầu bằng cách nói về những điều nhỏ bé diễn ra trong cuộc sống. Khi đã hình thành nói quen chia sẻ mọi thứ với bố mẹ thì bố mẹ sẽ dễ dàng thấu hiểu bạn hơn, đồng thời điều này cũng khiến bạn gần gũi với họ hơn.
Không bao giờ là quá muộn để trò chuyện với bố mẹ. Dù bạn đã không nói chuyện với bố mẹ hàng năm trời, hãy bắt đầu bằng những câu đơn giản, bạn có thể nói những điều như: “Lâu rồi con không nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ dành chút thời gian trò chuyện với con nhé“.
Học cách tha thứ
Nếu bạn giữ lòng thù ghét với cha mẹ vì điều gì đó, hãy học cách tha thứ bởi không làm vậy, một ngày nào đó bạn sẽ phải hối tiếc. Khi ấy, ngay cả tha thứ cho chính mình, bạn cũng cảm thấy thật khó khăn.
Kiên nhẫn lắng nghe
Ở chặng cuối cuộc đời, người già có xu hướng sống với ký ức và hoài niệm. Bạn hãy tập cho mình thói quen lắng nghe những câu chuyện kể đi kể lại. Ngày xưa bé, cha mẹ cũng từng kiên nhẫn trả lời hàng trăm câu hỏi ngây ngô của bạn.
Tuổi già thường nảy sinh bất ổn tâm lý như trầm cảm, buồn bã, lo lắng… Thấu hiểu điều này, con cái nên động viên, quan tâm, thủ thỉ chia sẻ để cha mẹ bớt ưu phiền.
Hiểu rằng cha mẹ cũng cần sự tự do của họ
Mỗi người đều có không gian riêng. Đừng ngăn cản cha mẹ bạn làm những điều họ thực sự muốn làm.
Đưa con bạn tới thăm ông bà chúng thường xuyên hơn
Sự hồn nhiên của trẻ thơ có thể khiến cha mẹ bạn thấy vui vẻ và trẻ lại.
Xin lỗi cha mẹ vì những sai lầm của bạn
Đôi khi, dù không cố ý nhưng bạn mất bình tĩnh và nói những lời khiến cha mẹ phiền lòng. Hãy xin lỗi họ chân thành bởi dù bạn phạm lỗi gì, cha mẹ cũng sẵn lòng bao dung và thứ tha cho bạn.
Đưa cha mẹ đi du lịch
Hãy sắp xếp đưa cha mẹ đi du lịch. Điều này sẽ giúp cả thể chất và tâm hồn họ trẻ trung, khỏe mạnh hơn. Hoặc không có điều kiện đi xa, hãy tổ chức những cuộc họp mặt gia đình ở một không gian ngoại ô thoáng đãng để mọi người cùng thưởng thức những món ăn ngon và cùng nhau trò chuyện.
Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy nhưng mấy người làm được cho cha mẹ mình. Để rồi, khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ sống hoài trong hối hận vì những điều chưa kịp làm. Bởi vậy, nếu ai vẫn đang canh cánh trong lòng những dự định báo hiếu cha mẹ thì hãy thực hiện ngay từ bây giờ, chẳng cần đợi đến khi đủ tiền, dư thời gian…