Khi nào sinh con; mua nhà hay thuê căn hộ; dọn ra ở riêng hay sống chung với nhà chồng… đó là vài trong số những băn khoăn của các cặp vợ chồng trẻ trước khi cử hành hôn lễ.
Nhiều đôi nhận thấy cần phải trao đổi và đi đến quyết định chung trước khi tiến đến hôn nhân. Họ lo sợ nếu không có sự nhất quán về quan điểm sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Zing Lifestyle lắng nghe chia sẻ của 7 cặp vợ chồng về những điều họ quan tâm, bàn luận và thống nhất trước khi chính thức chung sống dưới một mái nhà.
Có nên chung sống cùng bố mẹ chồng?
Bùi Lê Anh (sinh năm 1993, Hà Nội), chuyên viên môi giới chứng khoán
Chúng tôi kết hôn vào năm 2020. Quá trình chuẩn bị hôn lễ tương đối suôn sẻ, một phần nhờ cả gia đình cô dâu và chú rể đều ở chung một thành phố.
Nhưng cũng bởi lý do này, một vấn đề đầu tiên đã phát sinh: Tôi muốn ra ở riêng, nhưng vợ lại muốn sống chung với bố mẹ chồng.
Thú thực, tôi sợ rằng mối quan hệ giữa vợ và mẹ mình sẽ trở nên xấu đi nếu sống chung dưới một mái nhà. Mặt khác, tôi muốn tận hưởng quãng thời gian mới cưới ngọt ngào với vợ trong không gian riêng tư hơn.
Thế nhưng, vợ đề nghị dọn về nhà bố mẹ tôi để có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Sau vài lần cự cãi, cuối cùng cô ấy là người giành phần thắng. Tuy có chút lo lắng ban đầu, hiện tôi thầm cảm thấy may mắn vì đã nghe lời vợ. Suốt 2 năm qua, gia đình tôi luôn vui vẻ và đầy tiếng cười. Bố mẹ tôi còn đặc biệt cưng chiều con dâu.
Có thay đổi định hướng nghề nghiệp?
Phạm Thị Thu Hường (sinh năm 1997, Hà Nội), tiếp viên hàng không
Sau khi từ bỏ công ty cũ, tôi bắt đầu ôn thi tuyển dụng tiếp viên hàng không hồi cuối tháng 3/2021.
Nhiều người thân lên tiếng phản đối. Chồng tôi, khi ấy còn là bạn trai, cũng không đồng ý bởi lo lắng tôi vất vả. Hơn nữa, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào cuối năm đó.
Tôi thấu hiểu sự lo lắng của mọi người, nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp.
Đến nay, gia đình hai bên đều không còn phản đối, trái lại còn bày tỏ sự ủng hộ. Tôi cũng cảm thấy đúng đắn khi chọn công việc này.
Đặc biệt, chồng rất tôn trọng mong muốn chưa sinh em bé của tôi. Hợp đồng lao động của tôi có yêu cầu không sinh con trong vòng 2 năm tới. Hơn nữa, chồng tôi, nhân viên của một công ty Nhật Bản, thường xuyên phải đi công tác quốc tế dài ngày. Do đó, chúng tôi sẽ đợi đến thời điểm phù hợp mới xây dựng gia đình nhỏ.
Khi nào sinh con?
Dương Hà Thu (sinh năm 1998, Hà Nội), nhân viên văn phòng
Chuyện sinh con là vấn đề chúng tôi tranh cãi nhiều nhất trước khi tổ chức đám cưới.
Chồng tôi muốn hoãn lại khoảng một năm rồi mới tính tới việc có em bé. Anh dự tính rằng khi đó, hai vợ chồng vừa có một khoản tích cóp, vừa có thời gian đi du lịch vài nơi cùng nhau.
Ngược lại, tôi lại muốn sinh con ngay sau khi kết hôn. Tôi chứng kiến nhiều cặp lên kế hoạch có con muộn nhưng lại gặp khó trong vấn đề thụ thai, phải đi khám và chữa trị rất lâu. Bởi vậy, tôi muốn có em bé sớm nhất có thể. Nếu có trở ngại sức khỏe, hai vợ chồng có thể kịp thời khắc phục.
Vấn đề này được đề cập rất nhiều lần trong lúc chúng tôi hẹn hò, thậm chí dẫn đến cãi nhau. Cuối cùng, chồng tôi chịu thua, đành chiều theo ý tôi. Hiện chúng tôi hy vọng sẽ nhận được tin vui trong năm nay.
Làm sao để hòa hợp trong lối sống?
Phạm Bá Hiếu (sinh năm 1992, Hà Nội), kỹ sư công nghệ tại ngân hàng
Những tháng trước hôn lễ là quãng thời gian rất bận rộn với vợ chồng tôi. Chúng tôi hy vọng có một ngày trọng đại thật suôn sẻ trong bối cảnh dịch bệnh khá phức tạp.
Nhưng cũng bởi vậy, chúng tôi đã bỏ quên vài vấn đề cần bàn luận trước khi kết hôn. Một trong số đó là lối sống sinh hoạt chung.
Vợ tôi là một người quảng giao và ít khi vắng mặt trong các cuộc tụ họp bạn bè. Đương nhiên, tôi tôn trọng điều đó bởi cả tôi lẫn vợ đều có cuộc sống xã hội riêng.
Thế nhưng, khi tần suất của những buổi tiệc về khuya hoặc ra đường lúc 23h của vợ tăng lên, tôi trở nên lo nghĩ nhiều hơn, đặc biệt là sự an toàn của người bạn đời.
Căn hộ của chúng tôi nằm cách trung tâm thành phố hơn 15 km. Sẽ khó để tôi có thể đón vợ mình vào những buổi đi chơi quá nửa đêm, nhất là khi chúng tôi phải đi làm sớm hôm sau.
Hiện chúng tôi đang tích cực trao đổi và thỏa hiệp về vấn đề này. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi vẫn sẽ muốn thảo luận trước khi đi đến hôn nhân để cả hai có cái nhìn thực tế hơn về việc chung sống.
Nếu một trong hai ngoại tình?
Trọng Hồ (sinh năm 1990, TP.HCM), chuyên viên thiết kế đồ họa
Tôi và vợ đã kết hôn được gần 6 năm. Đến nay, chúng tôi đã có một thiên thần nhỏ gần 5 tuổi.
Để cùng nhau xây dựng và duy trì cuộc hôn nhân, chắc chắn chúng tôi có những thỏa thuận riêng nhằm mục đích tiết chế “cái tôi” của cả hai.
Trong số những thỏa thuận, tôi và cô ấy từng đề cập đến vấn đề không chung thủy trong tình yêu.
Theo đó, nếu một trong hai người ngoại tình, người còn lại được toàn quyền nuôi con.
Bên cạnh đó, số tiền tích lũy chung của hai vợ chồng cũng sẽ thuộc về người nuôi con. Chúng tôi rất hài lòng với quy tắc này.
Sẽ ra sao nếu gia đình không chấp nhận?
Phương Linh (sinh năm 1997, TP.HCM), nhân viên truyền thông
Sau hơn 2 năm hẹn hò, tôi và bạn trai dự tính kết hôn vào năm 2023. Tuy nhiên, tôi không được lòng gia đình anh.
Trước khi quyết định cưới nhau, tôi và anh nghiêm túc ngồi xuống thảo luận với nhau nhiều vấn đề. Điều tôi băn khoăn nhất là anh sẽ làm gì nếu gia đình anh không chấp nhận tôi.
Anh sinh ra ở Hà Nội, tôi lớn lên ở TP.HCM, lối sống của hai gia đình khác nhau. Hơn nữa, mẹ muốn anh cưới vợ gần nhà để tiện cho qua lại thăm hỏi sau này. Do đó, tôi khó gần gũi với mẹ anh.
Chúng tôi thoả thuận với nhau sẽ cố gắng, thể hiện sự quyết tâm đối với cha mẹ. Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ thuê nhà sống riêng, không thuyết phục gia đình nữa, rồi để thời gian chứng minh cho tình cảm của chúng tôi.
Ai là người giữ tiền?
Bảo Khánh (sinh năm 1992, TP.HCM), thành lập start-up
Tôi kết hôn vào cuối tháng 10, đánh dấu một chương mới trong cuộc đời. Nhưng ngoài niềm háo hức về việc sống chung một nhà, tôi và vợ cảm thấy lo lắng, trong đó có vấn đề tài chính.
Để giảm bớt những nỗi lo này, chúng tôi ngồi lại với nhau nhiều lần để vạch ra các mục tiêu, kế hoạch chung, cũng như các thỏa thuận đôi bên.
Sau vài lần trao đổi, chúng tôi quyết định sẽ không có quỹ chung. Tiền ai người đó có quyền giữ, tích lũy và chi tiêu riêng, trừ những tài sản có nhu cầu sở hữu chung như mua nhà, xe.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trung thực với nhau về vấn đề tài chính, đồng thời sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ nếu đối phương gặp những khó khăn cần giúp đỡ.