Mỗi khi có ai đó lên đường đi du học, sang nước ngoài làm việc, đi xa nhà,… tâm lý chung của nhiều người là an ủi, động viên người đi bởi sợ họ cô đơn, một thân một mình ở vùng đất mới. Tuy nhiên, chúng ta đều quên mất rằng, người cần được vỗ về hơn cả là những người ở lại. Bởi họ là ông bà, là bố mẹ, những người đã luống tuổi. Họ có nỗi niềm riêng, đôi khi cũng phải thay đổi cả cuộc sống vì con cái đi du học.
Nếu không phải vì con, bố mẹ nào cũng chỉ mong con ở trong tầm mắt mình
Việt Hà lớn lên ở Vũng Tàu, hiện đang là du học sinh tại Hàn Quốc được gần nửa năm. Chân ướt, chân ráo tự lập tại thành phố mới, Việt Hà cho biết điều này ép buộc bản thân phải trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn và không quá dựa dẫm vào bố mẹ. Đó cũng là một phần lý do khiến cô bạn bày tỏ mong muốn đi du học với gia đình.
“Bạn bè từng nhận xét mình rằng 20 tuổi đầu còn vô tư cười đùa, chỉ biết sống cho hiện tại, không biết lo nghĩ tương lai. Câu nói này khiến mình suy nghĩ nhiều bởi thật sự khi còn ở Việt Nam, mình là con út nên được ba mẹ bao bọc, mình cũng không chú tâm vào học hành.
Hơn nữa, nhìn lại khoảng thời gian mình sử dụng tiền từ ba mẹ, khiến mình thấy vô dụng và áy náy. Mình còn sợ nếu không cố gắng, sau này không có điều kiện nuôi ba mẹ khi họ ốm đau. Do vậy, mình quyết định sẽ đi du học để thay đổi cuộc sống”, Việt Hà chia sẻ lý do sang Hàn Quốc học tập.
Còn đối với cô Đoàn Thị Hòa, mẹ của Việt Hà cho biết, lý do chẳng có gì lớn lao ngoài việc con gái muốn vậy: “Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng muốn con cái ở gần để mình có thể nhìn, có thể biết chúng đang thế nào. Nhưng đi du học là nguyện vọng, mong ước của con nên dù có nhiều nỗi lo, niềm băn khoăn nhưng gia đình vẫn đồng ý với quyết định của con”.
Đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản, Tùng Lâm (25 tuổi) cũng bày tỏ những nỗi niềm tương tự. Nhớ lại ngày quyết định đi du học, Lâm cho hay: “Từ nhỏ đến lớn, mình luôn ở gần bố mẹ, mọi việc đều ưu tiên gia đình là trên hết. Nên khi biết mình muốn đi du học, rời xa vòng tay bố mẹ, họ cũng buồn lắm. Tuy nhiên vì thương con, bố mẹ luôn tôn trọng mọi quyết định, chỉ dặn dò mình phải cố gắng học tập tốt và chăm sóc bản thân cẩn thận”.
Cũng theo Tùng Lâm, anh bạn rất hiểu cho tâm lý những người ở lại. Bởi trước đó, Lâm cũng từng có khoảng 1 năm yêu xa, bạn gái ở Nhật Bản còn anh ở Việt Nam. Do vậy, Tùng Lâm cho biết anh bạn cảm nhận được nỗi lo của bố mẹ dành cho mình.
“Mình không ở gần bạn gái mà mình còn thấy bồn chồn, lo lắng nhỡ khi không liên lạc được thì thử hỏi, bố mẹ sẽ còn sốt ruột cơ nào. Mình đi du học cũng một phần vì muốn bớt đi nỗi lo trong lòng, một phần cũng vì bố mẹ hai bên yên tâm hơn khi sang đây 2 đứa có thể chăm sóc cho nhau. Ít ra, gia đình vẫn còn biết có một người thân để nhỡ có trường hợp gì không may, còn có nơi để liên lạc”, Tùng Lâm nói.
Dù cho có gọi bao nhiêu cuộc điện thoại đi chăng nữa cũng không vơi nỗi lo
Người ta vẫn thường nói về những nỗi nhớ khi xa nhà chứ mấy ai bàn về sự cô đơn của người ở lại. Thế nhưng, tâm trạng của những bố mẹ có con đi du học là vậy, cả ngày cứ thấp thỏm, chỉ chờ đến giờ được gọi điện hỏi thăm. Có khi cuộc sống cũng phần nào đảo lộn vì lệch múi giờ, nhưng vẫn cố gắng đợi để được nhìn con qua màn hình, biết con vẫn ổn là trong lòng mới yên tâm.
“Lúc nào tôi cũng thấy nhớ con gái vì không được ở gần. Ngày nào tôi cũng gọi, thậm chí có ngày còn gọi 5 – 6 cuộc. Nhiều khi thấy con không bắt máy, đoán con bận nhưng tâm lý tôi không yên tâm nên cứ để lại tin nhắn thoại”, cô Hòa Nói.
Việt Hà cũng kể ba mẹ thường xuyên gọi điện, lúc nào cũng sợ con không đủ ăn, đủ mặc. Hơn nữa, cô bạn từng được ba mẹ cưng chiều khi ở nhà nhưng lại là người đầu tiên đi học ở nước ngoài. Do vậy, những lo lắng của gia đình còn nhiều hơn gấp 2, gấp 3 lần những gia đình khác.
“Lúc nào gọi điện, ba mẹ cũng giục mình đi mua sắm đồ đạc, ăn uống vì sợ mình thiếu ăn, thiếu mặc. Mình mới sang nữa nên ba mẹ gọi mỗi ngày để cập nhật tình hình. Cũng vì vậy, mình có trách nhiệm hơn, chăm chỉ học tập để ba mẹ có thể yên tâm.
Mình nhớ nhà chứ, nhớ ba mẹ, anh chị và những bữa cơm gia đình. Đôi khi mình khóc vì tủi thân nhưng vẫn phải nín lại, chẳng bao giờ dám kể cho ba mẹ. Một phần vì mình ngại, một phần vì mình biết nếu ba mẹ thấy mình khóc hẳn sẽ xót con lắm rồi lại bồn chồn cả ngày không làm được việc gì”, Việt Hà tâm sự.
Còn đối với Tùng Lâm, là con trai nên anh chàng luôn giữ được sự mạnh mẽ, vững vàng, ít khi bày tỏ tình cảm ra mặt. Cũng vì vậy mà hai mẹ con thường không nói qua nhiều về nỗi nhớ. Nhưng qua cách nói chuyện, Tùng Lâm cho biết dù có gọi được bao nhiêu cuộc điện thoại, mẹ cũng không vơi hết được những băn khoăn, trăn trở.
“Khi mới sang, mình ở liền 3 năm không về thăm nhà. Mình biết nếu mình nhớ một, bố mẹ ở nhà sẽ nhớ mười. Thế nhưng mỗi khi gọi điện, mẹ thường không thể hiện điều đó. Nhưng mình biết mẹ lo bởi mẹ liên tục dặn dò không ngớt. Nào là phải ăn uống đầy đủ, chuẩn bị thuốc thang sẵn trong nhà, rồi tình hình nhà cửa, học hành của mình và người yêu, mẹ cũng đều hỏi han tường tận”, Tùng Lâm kể.
Có con đi du học là vậy, bố mẹ ở nhà chỉ biết chờ từng cuộc điện thoại để hỏi thăm hàng vạn câu. Thế nhưng ở đầu dây bên kia, câu chuyện đôi khi chỉ được kể một phần, phần còn lại giấu đi vì nghĩ thương bố mẹ ở nhà, vất vả lo kinh tế cho con đi học lại phải thao thức mỗi ngày vì không biết con ở nơi xa có ổn không.
Lâm bày tỏ: “Thường xuyên liên lạc là vậy nhưng thú thật, có những chuyện mình không dám nói hết vì mình rất sợ bố mẹ lo lắng. Đặc biệt là trong thời điểm dịch căng thẳng, bố mẹ hỏi liên tục nhưng mình vẫn nói là mọi thứ vẫn ổn dù lúc đó người yêu mình đã không may mắc Covid-19. Ngay cả khi mình có xét nghiệm âm tính, mình cũng không kể cho gia đình. Mãi sau khi mọi thứ bình thường trở lại mình mới nói. Bố mẹ mình mắng một trận vì tội giấu không kể. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn thấy quyết định đó là đúng bởi mình đoán, bố mẹ sẽ không muốn rơi vào cảm giác bất lực, lo lắng cho con nhưng không thể làm được gì hơn”.
Cho con đi du học đôi khi là một sự đánh đổi
Khi cuộc sống vẫn diễn ra yên bình, chẳng ai muốn nói về những điều tiêu cực. Thế nhưng, tai ương ập đến đâu bao giờ thông báo trước… Hôm nay còn cười nói gọi về cho gia đình nhưng biết đâu ngày mai, phía đầu dây nào đó chỉ còn lại những tiếng tút dài lạnh lùng, chua chát. Đó cũng là điều mà bố mẹ và cả những đứa con xa nhà thường xuyên trăn trở. Dù không muốn nghĩ đến nhưng thực tại, ai cũng từng một lần mường tượng viễn cảnh xấu nhất xảy ra với mình.
Việt Hà chia sẻ: “Mình sợ một ngày ba mẹ sẽ rời đi mà mình không hay biết. Càng sợ hơn những giây phút cuối đời, mình không được ở bên cạnh họ, cảm nhận tình yêu bằng da thịt chứ không phải qua màn hình điện thoại.
Và đương nhiên, ba mẹ cũng có nỗi sợ y hệt. Thảm kịch Itaewon vừa qua cùng trong thành phố mình sống, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Khi nghe tin, ba mẹ đã ngay lập tức gọi điện, mình nghe rõ được tiếng thở phào khi họ biết mình vẫn ổn. “Ba không sống nổi mất”, là câu mà ba nói khiến mình òa khóc”.
Cô Hòa cũng nói thêm: “Tôi có theo dõi vụ việc và liên lạc ngay với Hà. Tôi mừng vì con không có mặt ở đó nhưng tôi cũng đau xót thay cho gia đình của nữ sinh Việt thiệt mạng. Thật sự, tôi không dám nghĩ đến viễn cảnh con gái ở nước ngoài một thân, một mình mà chẳng may gặp rủi ro, tôi không thở nổi”.
Hầu hết, mọi người đều đồng ý việc cho con cái đi du học đôi khi cũng là một sự đánh đổi. Các con có tương lai, đỡ đần giúp bố mẹ về kinh tế nhưng đổi lại, gia đình không được ở gần nhau, mỗi ngày đều có hàng trăm sự lo lắng, sợ hãi vô hình. Điều duy nhất họ có thể làm là động viên, dặn dò nhau qua màn hình điện thoại.
Việt Hà nhắn nhủ: “Mình thương ba mẹ nhưng không biết bày tỏ thành lời. Mình mong ba mẹ luôn khỏe mạnh, đợi mình trở về. Còn mình, mình sẽ sống trách nhiệm hơn, cố gắng để không làm họ phiền lòng”.